Tích cực phát huy sức mạnh tổng hợp
- HIỆU QUẢ TỪ CÁC CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN CÔNG
Năm 2010, với tổng kinh phí 1.061 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, trung tâm đã triển khai 5 dự án tổ chức đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho 200 lao động tại huyện Con Cuông; tổ chức đào tạo nghề mây tre đan xuất khẩu cho 500 lao động tại các xã Quỳnh Diễn, Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu), Diễn Hoàng, Diễn Đồng (Diễn Châu), Đô Thành (Yên Thành); xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất bột cá tại công ty TNHH một thành viên Trung Trinh (Diễn Ngọc, Diễn Châu); xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gạch tuynel tại Công ty CP Xây dựng và Sản xuất vật liệu Nghĩa Lộc (Nghĩa Đàn); xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất cửa nhựa lõi thép uPVC tại Công ty CP Sản xuất và Thương mại Hưng Phát (Nghi Phú - TP.Vinh). Hầu hết các dự án hỗ trợ đều đạt hiệu quả khá cao..
Với nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ gần 4 tỷ đồng, trung tâm đã triển khai hỗ trợ thực hiện 80 đề án. Các địa phương thực hiện nhiều đề án khuyến công của tỉnh Nghệ An phải kể đến Kỳ Sơn 5 đề án với hơn 200 triệu đồng tiền hỗ trợ, Thanh Chương 6 đề án với 285 triệu đồng, Diễn Châu 8 đề án hơn 300 triệu đồng... Ngoài nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh, một số địa phương còn bố trí ngân sách tổ chức hoạt động khuyến công như TP.Vinh (300 triệu đồng), Nghi Lộc (200 triệu đồng)... để hỗ trợ làng nghề, đào tạo nghề, tham quan học tập, khuyến khích người dân tham gia làm nghề. Hầu hết các đề án khuyến công đều được phê duyệt dự toán kịp thời, thanh quyết toán theo đúng quy định. Ngoài vai trò hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hoạt động khuyến công năm 2010 ở Nghệ An còn thu hút sự quan tâm phối hợp của các ngành, các tổ chức với 20 đề án, 552 triệu đồng, chiếm 14% tổng kinh phí khuyến công của tỉnh. Các huyện, thành phố, thị xã đã chú ý quan tâm nhiều hơn đến hoạt động khuyến công, phân công cán bộ theo dõi, chủ động xây dựng kế hoạch, kiểm tra quyết toán các đề án được hỗ trợ.
PHÁT HUY SỨC MẠNH TỔNG HỢP
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của chương trình khuyến công Nghệ An là chưa liên kết được với các chương trình khác nên chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp, hiệu quả chưa cao; nhiều nội dung đề án khuyến công còn bất cập; một số đề án triển khai chậm, mà nguyên nhân là do bộ máy hoạt động khuyến công mỏng, chưa được tổ chức ở cấp huyện, hoạt động khuyến công chủ yếu thông qua Phòng Công Thương, Phòng Kinh tế, do đó khó khăn về nhân lực để tư vấn; các doanh nghiệp, với vai trò “bà đỡ” cho làng nghề chưa phát triển, ít về số lượng, nhỏ về quy mô nên việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho làng nghề và các địa phương sau đào tạo cũng khó khăn hơn. Một số địa phương được hỗ trợ đào tạo nghề, thiếu kinh phí đối ứng, kinh phí duy trì đào tạo, không duy trì được sản xuất; một bộ phận lao động nông thôn chưa quen với tác phong sản xuất công nghiệp...
Năm 2011, dự kiến kinh phí khuyến công của tỉnh Nghệ An là 4 tỷ đồng, cùng với khoảng 3 tỷ đồng từ chương trình khuyến công quốc gia, Nghệ An sẽ chú trọng xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến vào khâu sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xử lý môi trường. Để các dự án thật sự có hiệu quả, trung tâm đang tích cực bám sát nhu cầu thực tiễn, phù hợp với địa phương, đơn vị... để sử dụng tốt hơn nguồn vốn từ chương trình khuyến công.
Hoàng Trinh