Tiền Giang: Xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng và bứt phá ấn tượng
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn rất khó đoán định, nhu cầu hàng hóa tại nhiều thị trường lớn sụt giảm, nhưng các ngành, lĩnh vực kinh tế của tỉnh Tiền Giang trong 4 tháng đầu năm 2024 tiếp tục hồi phục, tăng trưởng và chuyển dịch theo hướng tích cực. Đặc biệt, hoạt động xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng và bứt phá ấn tượng.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 4 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Tiền Giang tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2023 |
Trao đổi với phóng viên Vuasanca , ông Lưu Văn Phi - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang - cho biết: Mặc dù hoạt động xuất khẩu đối mặt với các thách thức chung của các thị trường đối tác lớn, song nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ sản xuất trong nước và xuất khẩu, nên hoạt động xuất khẩu của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, trưởng cao so với cùng kỳ.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 4 năm 2024 đạt 290 triệu USD, tăng 3,47% so với cùng kỳ; lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, đạt 1,38 tỷ USD, tăng 17,04% so cùng kỳ và đạt 37,23% so với kế hoạch năm. Đáng chú ý, trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh Tiền Giang, nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất, hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đều có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, kim loại thường khác và sản phẩm (kể cả đồng) đạt 125,43 triệu USD, tăng 18,77%; lũy kế 4 tháng đạt 470,32 triệu USD, tăng 13,03% so với cùng kỳ; sản phẩm từ chất dẻo đạt 41,93 triệu USD, tăng 129,37%; lũy kế 4 tháng đạt 187 triệu USD, tăng 254,70% so với cùng kỳ…
Đối với nhóm mặt hàng thủy sản, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 45.000 tấn và giá trị đạt 113 triệu USD, tăng 63,81% về lượng và 48,62 về trị giá so với 4 tháng cùng kỳ năm 2023. Trong đó, mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ yếu là cá tra phi lê (chiếm 80,59%), còn lại là các thủy sản khác như nghêu, sò, mực, ếch, thủy sản đóng hộp, chả cá... Điều này cho thấy, nhóm này vẫn chiếm tỷ trọng cao và có mức tăng ấn tượng so với cùng kỳ năm 2023.
Còn đối với xuất khẩu hàng rau quả, trong 4 tháng đạt 10.540 tấn, tăng 82,12% về lượng và tăng 86,62 về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
“Xuất khẩu hàng rau quả của tỉnh, đặc biệt là trái cây đã xuất đi khắp các thị trường Mỹ, châu Âu, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã tạo nên kết quả ấn tượng cho ngành hàng rau quả ngay từ đầu năm”- Giám đốc Sở Công Thương đánh giá.
Riêng kim ngạch xuất khẩu gạo trong 4 tháng đầu năm chỉ đạt 43.802 tấn, giảm 43,03% về lượng và giảm 38,49% về trị giá so với cùng kỳ. Lý giải về nguyên nhân sản lượng xuất khẩu gạo giảm mạnh, ông Lưu Văn Phi - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang - cho biết: Do gạo của Tiền Giang chủ yếu xuất khẩu sang Indonesia, Philippines, Trung Quốc và một phần sang thị trường Mỹ và châu Âu… Giai đoạn này, các nước xem xét nhập khẩu và điều chỉnh giá thành ra xuất khẩu gạo của Tiền Giang bị tác động. Cùng với đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong thời gian này cũng xem lại phản ứng của thị trường trong và ngoài nước như thế nào để tính toán nên mua để trữ vào trong kho.
Theo ghi nhận, trong những tháng đầu năm 2024 tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuận lợi hơn so với cùng kỳ, đơn hàng tăng do ngay từ đầu năm tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, Sở Công Thương cùng các ngành trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do, nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khai thác tốt lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do. Qua đó, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang - cho biết: Trong thời gian tới, Sở tiếp tục tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan.
Cùng với đó, đẩy mạnh khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tạo thuận lợi, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do…
Ngoài ra, Sở Công Thương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền cho doanh nghiệp nắm rõ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, giúp doanh nghiệp chủ động xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, chủ động nguyên liệu nội khối để được hưởng ưu đãi thuế quan. Qua đó, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu theo hướng bền vững.
“Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội mở rộng thị trường, doanh nghiệp cần chú trọng phát triển được nguồn hàng cho xuất khẩu, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng… và bảo đảm đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi về thuế quan theo các Hiệp định thương mại tự do” - ông Lưu Văn Phi nhấn mạnh.