Đền Bà Chúa Kho tại Bắc Ninh không còn các quầy đổi tiền lẻ |
Những ngày cuối năm Ất Mùi, chúng tôi đến Đền Bà Chúa Kho tại tỉnh Bắc Ninh và ghi nhận được sự thay đổi đáng kể trong thói quen sử dụng tiền lẻ đi lễ của du khách thập phương cũng như công tác quản lý của Ban quản lý Đền. Cảnh rải tiền lẻ tại các ban, thả tiền vào cung Bà Chúa đã bớt hẳn. Trên các mâm lễ, tiền mặt cũng không được gắn nhiều như trước mà thay vào đó là một, hai tờ tiền có mệnh giá cao. Anh Nguyễn Đức Linh, ngụ tại phố Bạch Mai - Hà Nội cho biết: Mọi đồng tiền công đức tại Đền rồi cũng được quy tụ tại một chỗ nên chúng tôi chỉ đặt “tiền giọt dầu” tại mâm lễ ban chính thôi. Như vậy đỡ mất công và chi phí đổi tiền, nhà Đền cũng đỡ vất vả thu gom.
Ông Nguyễn Thành Lập - Trưởng Ban Quản lý di tích Đền Bà Chúa Kho - chia sẻ: Thực hiện công văn NHNN chúng tôi đã nghiêm túc chấp hành và tuyên truyền vận động các hộ không đổi tiền lẻ ở khu vực khuôn viên đền, và có các biển thông báo nghiêm cấm đổi tiền lẻ, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh toàn khu. Quan điểm của nhà Đền là hoàn toàn nghiêm cấm và cũng không cho phép đổi tiền lẻ.
“Không chỉ cấm hoạt động đổi tiền lẻ tại khu di tích, Ban quản lý Đền cũng nhắc nhở du khách thập phương thực hiện tâm đức của mình thay vì để tiền ở các ban, rải khắp nơi chỗ nào cũng có thì nên thả tiền vào hòm công đức cho gọn gàng, văn minh” ông Lập nói.
Theo bà Đào Thị Phượng, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Bắc Ninh, cách đây khoảng 3 năm, lượng tiền lẻ tại các khu di tích lịch sử, đền chùa trên địa bàn tỉnh rất lớn. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay hiện tượng này đã giảm hẳn, đặc biệt năm 2015 đã giảm rất nhiều so với các năm trước.
Qua nắm bắt tại một số ngân hàng làm việc trực tiếp với Ban quản lý di tích Đền Bà Chúa Kho thì lượng tiền lẻ vào khu di tích đã giảm hẳn. Những năm trước đây, cứ mỗi mùa lễ hội Ban Quản lý Đền Bà Chúa Kho thường phải nhờ các ngân hàng vào kiểm đếm tiền mất 1-2 ngày, thậm chí là lâu hơn, do tiền mệnh giá nhỏ, tiền xu nên cần các cơ quan có chuyên môn phân loại riêng khiến mất rất nhiều thời gian.
“Đi lễ, quan trọng là cái tâm của mình chứ không phải rải tiền ở khắp chỗ. Rải nhiều nơi làm mất thời gian đến các bộ phận khác. Người đi lễ sẽ mất công đi đổi tiền, nhà Đền mất công đi gom và đi đổi lại” ông Lập nói.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, năm 2016 NHNN triển khai các nghiệp vụ cung ứng, điều hòa tiền mặt, bảo đảm đáp ứng khối lượng tiền và cơ cấu mệnh giá các đồng tiền trong lưu thông, phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế. Bên cạnh đó, cơ quan này tiếp tục thực hiện chủ trương không phát hành tiền mới in có mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng trở xuống nhưng sẽ đưa vào lưu thông các loại tiền có mệnh giá nhỏ đã qua sử dụng, còn đủ tiêu chuẩn lưu thông. Việc sử dụng lại tiền mệnh giá nhỏ đã qua lưu thông đã tiết kiệm chi phí in ấn, phát hành… cho ngân sách Nhà nước trong 4 năm qua khoảng 1.500 tỷ đồng. Trong điều kiện Ngân sách hiện nay, việc tiết kiệm này là hết sức có ý nghĩa về mặt kinh tế, xã hội.