Tiên phong kinh tế số, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử
Tin hoạt động 23/01/2018 15:51
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tạo Hội nghị |
Hoàn thành nhiều mục tiêu
Tại Hội nghị, ông Đặng Hoàng Hải- Cục trưởng Cục TMĐT & KTS cho biết, trong năm 2017, Cục đã nghiêm túc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong công tác chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Cụ thể, Cục đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ thực hiện tốt các giải pháp để triển khai Nghị quyết số 36A/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương, qua đó đẩy mạnh, phát triển Chính phủ điện tử tại cơ quan Bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan thuộc Bộ. Những giải pháp này tập trung vào các vấn đề như: rà soát, thống kê, giảm thiểu thủ tục hành chính (TTHC), tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), ban hành sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật nhằm pháp lý hóa việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4, nâng cao việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước.
Trên cơ sở đó, Cục đã phối hợp với các đơn vị trong việc xây dựng mới, nâng cấp, đưa tổng số DVCTT mức độ 3, 4 của Bộ lên thành 154 DVCTT (154 TTHC trên tổng số 298 TTHC cấp Trung ương) tương đương 52 nhóm DVCTT. Các nhóm DVCTT mức độ 3, 4 này đã tiếp nhận và xử lý trên môi trường mạng tổng cộng 771.661 bộ hồ sơ.
Đồng thời với việc xây dựng và đưa vào ứng dụng các DVCTT, trong năm 2017, Cục TMĐT & KTS cũng đã hỗ trợ được hàng nghìn lượt yêu cầu hỗ trợ của các doanh nghiệp, cá nhân trong cả nước trong việc sử dụng các DVCTT do Bộ Công Thương cung cấp, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp giảm thời gian cũng như thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ hành chính công của Bộ.
Ngoài ra, trong năm 2017, Cục đã phối hợp với Hiệp hội TMĐT Việt Nam, VTV24 và các doanh nghiệp thương mại điện tử (TMĐT) triển khai chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday 2017- sự kiện thường niên lớn nhất về TMĐT do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức.
Sự kiện Ngày mua sắm trực tuyến cuối năm – tiêu điểm của Chương trình diễn ra trong ngày 1/12/2017 đã có khoảng 97.000 sản phẩm của 3.000 doanh nghiệp tham gia, với 3,600 sản phẩm đảm bảo do Ban tổ chức lựa chọn và dán nhãn “Đảm bảo”, được miễn phí chuyển phát và khuyến mãi hoàn tiền khi thanh toán điện tử. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp tham gia Chương trình đạt 1.223 tỷ đồng; tổng giá trị hàng hóa giao dịch 1.549 tỷ đồng với 1,3 triệu đơn hàng.
Tham gia Cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN
Tại Hội nghị, ông Đặng Hoàng Hải khẳng định, trong những năm qua, Bộ Công Thương hiện đã kết nối 5 DVCTT với Cơ chế một cửa quốc gia (VNSW) bao gồm: Cấp Giấy phép xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp; Cấp Giấy phép nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-zôn; Cấp Giấy phép nhập khẩu tự động mô-tô phân khối lớn; Cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D; Cấp giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu kim cương thô.
Ông Đặng Hoàng Hải- Cục trưởng Cục TMĐT & KTS báo cáo kết quả tại hội nghị |
Tiếp nối những kết quả đã đạt được, trong năm 2017, thực hiện Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 14/11/2016 của Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016 - 2020 và Quyết định số 1989/QĐ-BCT ngày 5/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai VNSW và Cơ chế một cửa ASEAN của Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2020, phòng DVC đã và đang phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và Thống kê - Tổng cục Hải quan triển khai kết nối 6 thủ tục hành chính mới với VNSW bao gồm: Thủ tục cấp giấy phép xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp; Thủ tục cấp giấy phép xuất nhập khẩu tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp; Thủ tục khai báo hóa chất nhập khẩu; Thủ tục nhập khẩu thuốc lá nhằm mục đích phi thương mại; Thủ tục đề nghị cấp văn bản chấp thuận tham gia thí điểm tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN; Thủ tục thông báo chỉ tiêu nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá, giấy cuốn điếu thuốc lá.
Đến nay, đối với thủ tục khai báo hóa chất, Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan đã đưa hệ thống chính thức vận hành vào ngày 25/112017 theo đúng quy định tại Điều 27, Nghị định 113/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Doanh nghiệp không cần phải thực hiện thủ tục xác nhận khai báo hóa chất tại Bộ Công Thương như trước mà chỉ cần vào Cổng thông tin một cửa quốc gia khai báo và các thông tin sẽ được chuyển đến Bộ Công Thương và các cơ quan Hải quan địa phương, tạo điều kiện thông thoáng, giảm thiểu thời gian chờ đợi cho doanh nghiệp. Tính từ thời điểm triển khai đến nay (25/11/2017), hệ thống tiếp nhận thông tin khai báo hóa chất nhập khẩu trên Cổng DVCTT của Bộ đã nhận được 2,280 bộ hồ sơ từ VNSW (trung bình hơn 150 bộ hồ sơ/ngày).
Năm 2018- nâng cao năng lực cạnh tranh của TMĐT
Nhằm thúc đẩy phát triển TMĐT, theo ông Đặng Hoàng Hải năm 2018 là một năm bản lề, Cục TMĐT & KTS sẽ tiếp tục nâng cao hoạt động nghiên cứu, xây dựng thể chế, chính sách cho TMĐT và KTS: Xây dựng Báo cáo tổng kết 5 năm thực thi Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT và đề xuất khung chính sách, pháp luật cho TMĐT giai đoạn tiếp theo.
Theo đó, tiếp tục thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về TMĐT, tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động TMĐT; Tiếp tục duy trì và đẩy mạnh công tác phối hợp với cơ quan Quản lý thị trường, Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao (C50) – Bộ Công an và các đơn vị liên quan trong hoạt động chống gian lận thương mại trên môi trường trực tuyến.
Cục TMDT & KTS tiếp thu chỉ đạo của Bộ trưởng |
Bên cạnh đó, Cục sẽ tiếp tục hoàn thiện và mở rộng chức năng của Hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia Keypay; Mở rộng phạm vi áp dụng của Chương trình Một thẻ quốc gia để hỗ trợ các doanh nghiệp; Nghiên cứu, xây dựng mô hình logistics kết nối sản xuất, kinh doanh cho khu vực nông thông, miền núi; Hợp tác với Viettel Post xây dựng hạ tầng chuyển phát trên nền tảng công nghệ cho thị trường TMĐT Việt Nam...
Ngoài ra, tiếp tục triển khai Chương trình phát triển TMĐT quốc gia năm 2018, hỗ trợ các địa phương xây dựng và thực hiện các đề án ứng dụng và hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT; Hoàn thiện, nâng cao hiệu quả các website, cơ sở dữ liệu phục vụ doanh nghiệp...
Trên cơ sở báo cáo tổng kết và kế hoạch công tác của Cục TMĐT &KTS, tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao nỗ lực của Cục thời gian qua. Cụ thể Cục TMĐT & KTS đã làm tốt vai trò của mình, là đơn vị tham mưu cho Bộ và có đóng góp nhiều trong lĩnh vực TMĐT như triển khai DVCTT cấp độ 4, tham gia Cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN, chương trình phát triển TMĐT quốc gia với các đề án TMĐT triển khai tốt và có hiệu quả.
Bước sang năm 2018, Bộ trưởng yêu cầu Cục TMĐT &KTS cần làm tốt vai trò tiên phong của kinh tế số, thúc đẩy phát triển TMĐT. “Đặc biệt cần chú trọng đánh giá việc thực hiện Chương trình phát triển TMĐT quốc gia theo Quyết định 689/QĐ-TTg triển khai đến đâu? Cần xem xét hiệu quả mang lại thiết thực chứ không phải điểm danh là các đồng chí đã làm được gì? Phải đánh giá một cách công tâm đã hoàn thành ở mức độ nào?”, Bộ trưởng lưu ý.
Bộ trưởng đưa ra giải pháp, đối với các Cục, Vụ, điển hình như Cục Xuất nhập khẩu cần chủ động có những yêu cầu cụ thể với Cục TMĐT& KTS hỗ trợ doanh nghiệp. Cục Xúc tiến thương mại phải tính toán làm thế nào để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể thông qua TMĐT thúc đẩy xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Cục TMĐT & KTS phải là đầu mối kết nối với các địa phương, hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bước sang năm 2018, Bộ trưởng chỉ đạo Cục TMĐT và KTS tập trung quan tâm, chú trọng phát triển 3 lĩnh vực: Hợp tác quốc tế, đào tạo, thông tin tuyên truyền. Theo đó, cả ba lĩnh vực này đều rất quan trọng, ảnh hưởng đến sự thành bại của TMĐT nước ta. "Các đồng chí không chỉ thực hiện những hoạt động mang tính chuyên ngành về TMĐT mà đang góp phần cùng với Bộ xây dựng thành công Chính phủ điện tử hỗ trợ doanh nghiệp và người dân một cách cụ thể nhất, bằng những hành động thiết thực nhất”, Bộ trưởng kỳ vọng.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục TMĐT và KTS phối hợp với Văn phòng Bộ xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để trong tháng 3 tới đây, Bộ Công Thương sẽ ký kết quy chế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông… nhằm thúc đẩy phát triển thanh toán điện tử, các dịch vụ công trực tuyến, xây dựng Chính phủ kiến tạo, Cách mạng công nghiệp 4.0.