35 năm sự kiện Gạc Ma: Bức thư cuối cùng từ Quân cảng Cam Ranh Đà Nẵng trao tặng chung cư cho gia đình liệt sỹ đảo Gạc Ma |
Đó là: Ủng hộ lập trường chính nghĩa và thiện chí hòa bình của Việt Nam; yêu cầuTrung Quốc phải chấm dứt ngay những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, sớm đàm phán với Việt Nam; lên án hành động tội ác của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa; vạch rõ những tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông và Trung Quốc không tự cô lập mình hơn nữa trong vấn đề Trường Sa.
Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên thềm lục địa phía Nam - DK1. Ảnh: Kiên Trung |
Trước ngày 14/3/1988
Trước khi diễn ra sự kiện Gạc Ma ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã có nhiều hành động ngang ngược, vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.
Báo Pracheachon - cơ quan Trung ương của Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia đăng bình luận lên án những hành động của hải quân Trung Quốc khi khiêu khích tàu thuyền và xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam tại vùng biển quần đảo Trường Sa. Bài báo viết: “Nhân dân Campuchia nghiêm khắc lên án chính sách phiêu lưu của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với Việt Nam và đòi Trung Quốc rút ngay tàu chiến của họ khỏi những vùng lãnh hải Việt Nam, chấm dứt ngay những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam” (ngày 29/2/1988). Đây là bài báo đầu tiên thể hiện quan điểm của các nước trong năm 1988 khi Trung Quốc xâm phạm quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ngày 1/3/1988, Ban Thư ký Thường trực của Tổ chức đoàn kết nhân dân Á- Phi ở Cairo (Ai Cập) ra tuyên bố “Vì sự xóa bỏ tình hình căng thẳng ở Đông Nam Á”. Tuyên bố viết: “Tổ chức đoàn kết nhân dân Á-Phi rất quan tâm và lo ngại khi được tin các tàu chiến của Trung Quốc đã đổ bộ lên một số bãi đá ngầm trong quần đảo Trường Sa, thuộc lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam. Hành động này của nhà cầm quyền Trung Quốc đã gây căng thẳng nghiêm trọng ở khu vực Đông Nam Á và trái với nguyên tắc của “Phong trào không liên kết” giải quyết tranh chấp bằng đối thoại và thương lượng”.
Dưới đầu đề “Sự đe dọa mới của Trung Quốc chống Việt Nam”, báo “Ngọn đuốc phương Bắc” (Thụy Điển) số ra ngày 26/2/1988 đã nghiêm khắc lên án hành động khiêu khích và đe dọa của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa của lãnh thổ Việt Nam, gây căng thẳng ở khu vực Đông Nam Á và phá hoại quá trình hòa bình đang diễn ra ở Đông Dương.
Ngày 3/3/1988, báo “Người vô sản” của Thụy Điển đăng bài “Trung Quốc lại xâm phạm lãnh thổ của Việt Nam”, bày tỏ sự ủng hộ đối với Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam, khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Bài bình luận vạch rõ: “Hành động này nằm trong âm mưu của Trung Quốc câu kết với chủ nghĩa đế quốc và phản động chống Việt Nam, ngăn cản đối thoại và tiến trình hòa bình ở Campuchia”.
Báo Pasaxon, cơ quan Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, số ra ngày 7/3/1988 đăng bình luận lên án nhà cầm quyền Trung Quốc, nêu rõ những căn cứ lịch sử và pháp lý, về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vạch rõ hải quân Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa đầu năm 1974 đã mở đầu cho hành động sai trái của Trung Quốc ở 2 quần đảo này.
Bình luận trên báo khẳng định: “Nhân dân Lào luôn đứng bên cạnh nhân dân Việt Nam anh hùng và ủng hộ kiên quyết tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ngày 20/2/1988, ủng hộ mọi biện pháp của nhân dân Việt Nam bảo vệ chủ quyền của mình ở đất liền, vùng biển cũng như vùng trời. Con đường đúng đắn, phù hợp với xu thế hiện nay trên thế giới là 2 bên cùng ngồi vào bàn thương lượng. Phía Trung Quốc phải chấm dứt ngay việc xâm chiếm vùng biển của Việt Nam. Nhà cầm quyền Trung Quốc là người phải trả lời và chịu trách nhiệm về nguyên nhân tình hình đã xảy ra”.
Bảo tàng ngầm - nơi lưu giữ những hiện vật liên quan đến cuộc đời và gia đình các liệt sĩ Gạc Ma tại khu tưởng niệm Gạc Ma, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa). Ảnh: TTXVN |
Báo “Người quan sát Baghdad” (Iraq) số ra ngày 27/2/1988 đã đưa tin về Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam lên án Trung Quốc cho quân xâm lấn các bãi đá ngầm Chữ Thập và Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và đòi Trung Quốc phải rút ngay lực lượng của họ ra khỏi khu vực này.
Trong và sau ngày 14/3/1988
Ngày 20/3/1988, Tổng Thư ký “Tổ chức đoàn kết nhân dân Á-Phi” đã ra tuyên bố nêu rõ: “Tổ chức đoàn kết nhân dân Á-Phi hoan nghênh sáng kiến của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đề nghị bắt đầu đàm phán với chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhằm giải quyết hòa bình cuộc tranh chấp quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.
Ngày 21/3/1988, Ủy ban Mexico đoàn kết với Việt Nam đã ra tuyên bố lên án mạnh mẽ Trung Quốc xâm lấn đảo Trường Sa của Việt Nam. Tuyên bố viết: “Ủy ban Mexico đoàn kết với Việt Nam nghiêm khắc lên án những hành động quân sự có tính chất khiêu khích và bành trướng của Trung Quốc ngày 14/3 xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, bắn vào các tàu vận tải của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cùng với dư luận thế giới, chúng tôi kiên quyết đòi Trung Quốc phải chấm dứt việc khiêu khích chống Việt Nam, rút ngay lập tức các tàu chiến và lực lượng của họ ra khỏi vùng biển của Việt Nam”.
Ngày 24/3/1988, các phương tiện truyền thông của Tiệp Khắc đã đưa tin về Công hàm ngày 22/3 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Báo Akahata của Đảng Cộng sản Nhật Bản ngày 25/3 đăng bình luận vạch rõ: Việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng các hòn đảo, thậm chí lại tiến công các tàu không vũ trang của Việt Nam, rõ ràng là một hành động bá quyền giống như bọn thực dân và đế quốc trước đây”.
Báo “Giải phóng” của Pháp ngày 25/3 nhận xét: “Cái chính sách pháo thuyền này đang khơi dậy mối lo ngại đã có từ lâu về “Chủ nghĩa bá quyền” Trung Hoa ở Đông Nam Á”.
Báo Người quan sát (Indonesia) ngày 25/3/1988 đăng bài vạch rõ tính chất phi pháp và phi nghĩa việc Trung Quốc gây xung đột ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam và mưu đồ lâu dài của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á.
Ngày 4/4/1988, Ủy ban Mỹ đoàn kết với Việt Nam, Lào và Campuchia ra tuyên bố bày tỏ sự bất bình trước việc Trung Quốc tấn công các tàu vận tải của Việt Nam và chiếm các bãi đá trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tuyên bố vạch rõ: “Những hành động nói trên của Trung Quốc là xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế. Những hành động đó của Trung Quốc là mối đe dọa với hòa bình trong khu vực và thế giới, đặc biệt là những hành động nguy hiểm này diễn ra cùng thời điểm những sáng kiến nhằm giải quyết các xung đột trong khu vực đang tiến triển. Trong khi các bên khác ở Đông Nam Á đang theo đuổi một tiến trình hòa bình và hòa giải thì chúng ta không thể để cho những hành động nguy hiểm của Trung Quốc ngăn cản những chiều hướng tích cực đó”.
Tròn 35 năm qua, vụ thảm sát Gạc Ma ngày 14/3/1988, cùng với các bản tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam, sự phản ứng của dư luận thế giới và truyền thông quốc tế vào thời điểm trước, trong và sau ngày 14/3/1988 là những minh chứng thuyết phục cả về lịch sử và pháp lý để khẳng định với thế giới rằng:
Chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là chủ quyền bất khả xâm phạm. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn tha thiết với hòa bình và mong muốn đối thoại để giải quyết các vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo ở 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa bằng con đường hòa bình. Nhiệm vụ trọng yếu và thường xuyên của Việt Nam hiện nay về đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo là giữ vững môi trường hòa bình, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.