8 tỉnh miền núi Tây Bắc có cơ hội giới thiệu mình với cộng đồng du lịch.
CôngThương - Dự án ESRT là chương trình hỗ trợ kỹ thuật du lịch lớn nhất tại Việt Nam do Liên minh châu Âu tài trợ, trị giá 11 triệu Euro và Chính phủ Việt Nam đóng góp 1,1 triệu Euro. Chương trình hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng dựa trên sáng kiến về “Con đường miền núi phía Bắc” của Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV nhằm mang lại lợi ích cho khoảng 250.000 người ở 8 tỉnh nghèo nhất Việt Nam. Dự án ESRT được triển khai theo 3 nhóm hợp phần chính: Hỗ trợ chính sách và tăng cường thể chế, năng lực cạnh tranh của sản phẩm và mối quan hệ đối tác công - tư, giáo dục và đào tạo nghề.
Một trong những vấn đề mà ESRT đặc biệt quan tâm đó là xây dựng Tổ chức quản lý điểm đến. Ông Kai Partale- Điều phối dự án ESRT- phân tích rằng, về phương diện nhà cung cấp dịch vụ, các điểm du lịch đang cải thiện chất lượng cơ sở lưu trú, cơ sở hạ tầng và dịch vụ và hiệu quả tiếp thị của mình. Sự cạnh tranh gay gắt về khách du lịch bắt buộc các điểm du lịch phải trở thành những đơn vị cạnh tranh được quản lý bởi một Tổ chức Quản lý điểm đến (DMO), hướng tới xây dựng các điều kiện khung để quản lý phát triển và tiếp thị du lịch trong môi trường hoạt động thuận lợi.
Nhằm phục vụ tốt hơn các du khách và cải thiện chiến lược tiếp thị điểm đến, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đã bắt đầu lập kế hoạch chiến lược cho việc thành lập Tổ chức Quản lý điểm đến. Sáng kiến này sẽ đóng vai trò trọng tâm trong việc thực hiện các hoạt động của dự án trong thời gian tới. Dự án hỗ trợ mối quan hệ hợp tác của 8 tỉnh miền núi Tây Bắc để phối hợp quản lý điểm đến ở cấp độ vùng.
Việc thành lập Tổ chức Quản lý điểm đến, 8 tỉnh miền núi Tây Bắc sẽ có cơ hội giới thiệu mình với cộng đồng du lịch như một điểm đến hấp dẫn và đa dạng mà mọi người đều có thể đích thân trải nghiệm một cách chân thực khi cơ cấu quản lý điểm đến một cách chuyên nghiệp đã được xây dựng.
Tuy nhiên, ông Kai Partale cho biết, thách thức đối với Dự án ESRT hiện nay là nhằm đưa các nguyên tắc về du lịch có trách nhiệm vào ngành du lịch Việt Nam để nâng cao tính cạnh tranh và đóng góp cho kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Vì thế, dự án sẽ cố gắng đạt được các mục tiêu trên bằng sự can thiệp vào những lĩnh vực hỗ trợ chính sách và tăng cường thể chế, năng lực cạnh tranh của sản phẩm và đối thoại công - tư, giáo dục và đào tạo nghề.