Tiếp thị du lịch Việt: 3 mục tiêu
Hoạt động tiếp thị của du lịch Việt Nam chưa thường xuyên.
- Tiếp thị - điểm yếu của du lịch Việt
Theo đánh giá của các chuyên gia ESRT, hiện du lịch Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức bởi sự thay đổi của thị trường. Như khách du lịch độc lập hơn, hạn chế sự thống trị của các hãng lữ hành, sử dụng internet nhiều hơn, chú trọng vào trải nghiệm và giáo dục, kỳ nghỉ ngắn hơn, nhiều chuyến đi xuyên lục địa, giảm các chuyến đi dài, tăng nhu cầu về dịch vụ, chất lượng, nhiều điểm đến mới cạnh tranh…
Nghiên cứu của các chuyên gia ESRT cho thấy, xu hướng marketing du lịch đang thay đổi. Đó là giảm mức độ tập trung vào trưng bày, thay thế những tập gấp truyền thống bằng các dữ liệu trên mạng, những điểm bán hàng ở nước ngoài được thay bằng các văn phòng đại diện, trung tâm thông tin du lịch được thay bằng những ứng dụng trên điện thoại thông minh…
Do vậy, để thu hút và cạnh tranh với các điểm đến khác, tiếp thị quảng bá là một khâu quan trọng của du lịch. Tuy nhiên, các chuyên gia Robert Travers cho rằng, tiếp thị lại là một trong những điểm yếu của du lịch Việt Nam. Thái Lan, Malaysia du lịch họ phát triển vì họ có chiến lược cạnh tranh rất mạnh và ngân sách tiếp thị du lịch lớn. Trong khi đó, “với kinh phí xúc tiến quảng bá hạn chế, văn phòng đại diện ít ỏi, du lịch Việt Nam đang đối mặt với cạnh tranh gay gắt trong khu vực”- ông Robert Travers nói.
Tăng cảm nhận của du khách
Trong bối cảnh đó, theo ông Robert Travers, để xây dựng, quảng bá thương hiệu, du lịch Việt Nam cần tập trung vào thị trường tăng trưởng gần, hỗ trợ thương mại tại các thị trường xa, thị trường mới.
“Trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, du lịch Việt Nam cần tận dụng cơ hội, đổi mới phương thức xúc tiến, quảng bá, cần chú ý tới công tác nghiên cứu thị trường, tận dụng và huy động tối đa các nguồn lực, đầu tư có trọng điểm, tận dụng thế mạnh của internet để xúc tiến, quảng bá” - ông Robert Travers nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Florian Sengstschmid- chuyên gia ESRT cũng chỉ ra rằng, thời gian không quan trọng, khoảnh khắc và kỷ niệm mới là yếu tố quan trọng của bản chất thương hiệu. Theo hướng này, du lịch Việt cần xây dựng các thông điệp cho từng loại hình sản phẩm, đảm bảo tính nhất quán và tập trung quảng bá hiệu quả tới những đối tượng mục tiêu.
Các chuyên gia ESRT đưa ra 3 mục tiêu cụ thể cho chiến lược tiếp thị du lịch Việt Nam thời gian tới. Thứ nhất, cần định vị Việt Nam với hình ảnh là điểm đến du lịch chủ đạo ở Đông Nam Á dựa trên giá trị thương hiệu và các sản phẩm đặc trưng (văn hóa, thành phố, bờ biển và núi), lựa chọn và khuyến khích người Việt Nam đi du lịch trong nước. Thứ hai, truyền thông hiệu quả tính đa dạng, phong phú của sản phẩm du lịch Việt Nam và các sản phẩm chủ đạo theo vùng; tăng thời gian lưu trú và chi tiêu tại chỗ, thu hút khách quay trở lại. Thứ ba, quản lý hợp tác một cách hiệu quả với khu vực tư nhân và các địa phương hướng tới các thị trường có mức độ tăng trưởng tốt.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn: Xây dựng và thực hiện kế hoạch tiếp thị quảng bá thương hiệu là một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. |
Hoa Quỳnh