Tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, Chính phủ đã trình Quốc hội khóa XV thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) - ( Dự thảo Luật).
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan, tổ chức có liên quan để chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho hay, trong quá trình tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội để rà soát, chỉnh lý Dự thảo Luật.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nêu: Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở nghiên cứu tiếp thu tối đa và giải trình đầy đủ các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan, tổ chức có liên quan. Ảnh: TTXVN |
Theo đó, báo cáo đến Chính phủ về việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nêu rõ:
Về sở hữu di sản văn hóa, Dự thảo Luật quy định các hình thức sở hữu di sản văn hóa gồm: Sở hữu toàn dân, sở hữu chung, sở hữu riêng (Điều 4); đồng thời, quy định các trường hợp di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân, sở hữu chung, sở hữu riêng được kinh doanh mua bán, chuyển nhượng, thừa kế, trao đổi, tặng cho (Điều 41).
Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý quy định rõ việc xác lập quyền sở hữu di sản văn hóa theo từng loại hình di sản văn hóa thuộc từng loại hình sở hữu (Điều 4), đồng thời chỉnh lý quy định rõ việc chuyển quyền sở hữu, kinh doanh, mua bán, để thừa kế, trao đổi, tặng cho (Điều 45).
Báo cáo cho biết, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thống nhất quy định rõ việc xác lập quyền sở hữu di sản văn hóa theo từng loại hình di sản văn hóa thuộc từng loại hình sở hữu, quy định rõ việc chuyển quyền sở hữu, kinh doanh, mua bán, để thừa kế, trao đổi, tặng cho như tại Dự thảo Luật nhằm tạo thuận lợi trong việc xác định quyền sở hữu, đăng ký quyền sở hữu trong thực tiễn, xác định rõ hơn quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên liên quan và giải quyết tranh chấp phát sinh (nếu có) trong hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa".
Về phát huy giá trị di tích, Dự thảo Luật không có điều khoản quy định về phát huy giá trị di tích. Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý bổ sung 01 điều (Điều 26) quy định về nội dung phát huy giá trị di tích.
Theo báo cáo, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thống nhất bổ sung vào Dự thảo Luật 01 điều quy định về hoạt động phát huy giá trị di tích nhằm thể chế hóa đầy đủ các chính sách đã được thông qua; bảo đảm cân bằng giữa các quy định về bảo vệ với phát huy giá trị di tích; thống nhất với quy định về các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích với các loại hình di sản văn hóa khác quy định tại dự thảo Luật; đồng thời, thể hiện rõ nội dung chính sách bảo đảm quyền thụ hưởng của người dân đối với di sản văn hóa nói chung và giá trị di tích nói riêng.
Về khu vực bảo vệ di tích, nguyên tắc xác định phạm vi và cắm mốc giới khu vực bảo vệ di tích, Dự thảo Luật không quy định nguyên tắc xác định khu vực bảo vệ II. Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý đã bổ sung quy định nguyên tắc xác định khu vực bảo vệ II (tại khoản 3 Điều 27); đồng thời quy định về việc khu vực tiếp giáp khu vực bảo vệ I di tích không được xác định là khu vực bảo vệ II khi khu vực đó có công trình xây dựng hoặc khu vực dân cư không thể di dời, bỏ quy định “các trường hợp khác được cơ quan có thẩm quyền về văn hóa xác định” đối với trường hợp không có khu vực bảo vệ II.
Báo cáo nêu, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thống nhất nội dung bổ sung và chỉnh lý các quy định nêu trên. Việc bổ sung, chỉnh lý bảo đảm thống nhất và đồng bộ với quy định về nguyên tắc xác định khu vực bảo vệ I di tích, phù hợp với quy định về nguyên tắc bảo tồn di tích, rõ ràng và dễ thực hiện trong thực tiễn hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, tránh việc áp dụng tùy tiện.
Về phân loại và xác định di vật, cổ vật, Dự thảo Luật không có điều khoản quy định về việc phân loại và xác định di vật, cổ vật. Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý bổ sung 01 điều quy định các loại hình di vật, cổ vật và việc xác định di vật, cổ vật (Điều 40) tại Mục 2 chương III.
Theo đó, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thống nhất bổ sung 01 điều quy định về phân loại và xác định di vật, cổ vật nhằm thống nhất về cấu trúc trong quy định về các loại hình di sản văn hóa khác tại dự thảo Luật nhằm rõ khái niệm, phân loại theo loại hình chi tiết và các biện pháp quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị, từ đó giúp cơ quan chức năng dễ dàng trong việc nhận diện, phân loại di vật, cổ vật vốn đa dạng về loại hình và chất liệu, để phát hiện, ngăn chặn và kịp thời thu hồi di vật, cổ vật bị đưa ra nước ngoài trái phép.
Về sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể bảo tàng công lập, Dự thảo Luật được Chính phủ trình Quốc hội trước đây không có điều khoản quy định về sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể bảo tàng công lập. Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý bổ sung 01 điều quy định về sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể bảo tàng công lập (Điều 66).
Bộ Văn hoa, Thể thao và Du lịch thống nhất bổ sung 01 điều quy định về sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể bảo tàng công lập để phù hợp với thực tiễn hoạt động của bảo tàng; tách quy định thành lập bảo tàng công lập và quy định về cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập nhằm bảo đảm thống nhất với cấu trúc quy định liên quan đến hoạt động của bảo tàng công lập và bảo tàng ngoài công lập trong hệ thống bảo tàng.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Theo kế hoạch, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8, diễn ra từ tháng 10-11/2024. |