Hỗ trợ người trồng rừng và khôi phục rừng lim xanh |
Tạo vành đai xanh
Dự kiến, tổng diện tích trồng lần này là 8,5ha, với khoảng 37.400 cây; ngân sách cho dự án 3,5 tỷ đồng. Theo đại diện dự án, mùa mưa năm nay đến sớm đã giúp rửa mặn, và thời tiết có nhiều thuận lợi để trồng rừng. Hiện nay, đội công nhân đã sẵn sàng. Nhờ kinh nghiệm lâu năm quan sát con nước, họ sẽ tận dụng thời điểm nước bắt đầu xuống (nước ròng) để di chuyển cây con ra bãi trống và tiến hành trồng cây khi bãi trống phơi ra hoàn toàn. Việc ký kết vườn ươm lớn nhất của tỉnh Sóc Trăng cũng đã hoàn thành. Phía vườn ươm sẽ chuẩn bị 37.400 cây giống đạt tiêu chuẩn và bảo hành trong vòng 45 ngày kể từ khi trồng, đảm bảo đạt tỷ lệ nghiệm thu tối thiểu 80%.
Dự án trồng rừng ngập mặn nhận được sự quan tâm của cộng đồng |
Để phục vụ cho công tác trồng rừng tại khu vực bãi bồi, thiết bị quan trắc đã được nhập về Việt Nam. Hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn tự động sẽ cung cấp các thông số: Lượng mưa, chế độ ngập (thời gian và độ ngập sâu), nhiệt độ không khí, độ ẩm không khí, tốc độ gió, hướng gió, bức xạ mặt trời… làm cơ sở nghiên cứu và giám sát vùng trồng.
Dự án Hạnh phúc xanh là hoạt động của Quỹ Sống (Sống Foundation), tiền thân là Nhà chống lũ, hoạt động từ năm 2013 với 700 ngôi nhà chống lũ khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam. Kể từ năm 2018, Quỹ Sống ra đời với hai dự án chính: Làng hạnh phúc (xây nhà chống lũ) và Hạnh phúc xanh - trồng cây đô thị và trồng rừng.
Giấc mơ lớn của Hạnh phúc xanh - trồng cây đô thị và trồng rừng là trong vòng 70 năm (2018 - 2088) sẽ tái tạo những cánh rừng đã mất và tạo thêm mảng xanh cho đô thị.
Năm 2018, chương trình đã trồng 5.130 cây phi lao chắn sóng tại bờ biển Cửa Đại, Quảng Nam và 10.000 cây bần chua tại Cù Lao Dung, Sóc Trăng cùng với rất nhiều hỗ trợ và đóng góp của cộng đồng nói chung và các doanh nghiệp. Năm 2019, thông qua hình thức gây quỹ cộng đồng, chỉ trong 6 ngày, hơn 600 triệu đồng đã được các cá nhân và doanh nghiệp đóng góp để thực hiện việc trồng 10.000 cây bần cho Cù Lao Dung. Các bạn trẻ trong nhóm dự án xuống giám sát địa điểm mỗi tháng một lần. Họ cùng với nhóm đồng quản lý rừng và kiểm lâm cùng chăm sóc rừng bần, trồng dặm để duy trì tỷ lệ sống cao cho cánh rừng trong suốt 3-4 năm tiếp theo.
Bảo vệ cuộc sống
Những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng và khó lường. Gần 6 năm nay, người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long mòn mỏi chờ mùa lũ từ thượng nguồn nhưng lũ không về, phù sa cũng không về nữa. Thay vào đó, mực nước biển dâng kèm sóng lớn gây sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng trầm trọng. Đặc biệt, tình trạng hạn mặn còn khốc liệt hơn cả việc sạt lở. Kênh rạch cạn trơ đáy, đồng ruộng khô cằn, từng can nước ngọt được chắt chiu chỉ đủ dùng cho sinh hoạt.
Một, hai năm nay, với ảnh hưởng của hiện tượng La nina, tại khu vực bãi bồi thuộc thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đã phải chịu nhiều thiệt hại bởi gió chướng và triều cường hơn các năm trước. Đợt sóng to, gió dữ năm 2020 đã làm cho những dãy rừng ngập mặn từ 3 - 5 tuổi được tỉnh Sóc Trăng trồng tại khu vực này bị ngã đổ hàng loạt. Vì vậy, Bãi bồi Vĩnh Châu chính là khu vực Hạnh phúc xanh sẽ trồng rừng vào năm 2021.
Dự án đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng cũng như doanh nghiệp. Hiện nay một số doanh nghiệp đã cam kết và thực hiện trích lợi nhuận hàng tháng từ 1-5% để hỗ trợ dự án Hạnh phúc xanh.
Theo các chuyên gia, rừng ngập mặn có tác dụng giúp bảo vệ bờ biển, phòng chống sạt lở nhờ các hệ thống rễ khổng lồ có hiệu quả trong việc tiêu tán năng lượng sóng và tăng diện tích đất bằng cách bồi đắp các bãi bồi do sông mang vào để bảo vệ các khu vực ven biển khỏi xói mòn, nước dâng do bão. Rừng ngập mặn còn cung cấp thức ăn và môi trường sống cho các loài động vật. Hơn 3.000 loài cá được tìm thấy trong hệ sinh thái rừng ngập mặn. Từ đó, còn tạo thêm nguồn lợi thuỷ sản, việc làm cho người dân trong khu vực. Việc phát triển hệ thống rừng ngập mặn sẽ góp phần thực hiện mục tiêu phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, tạo cảnh quan sinh thái và giảm chi phí đầu tư cho các công trình đê điều.
Rừng ngập mặn bảo vệ bờ biển tốt hơn 5 lần so với các công trình bê tông đê điều; đồng thời có khả năng lưu giữ CO2 cao gấp 3 - 5 lần so với rừng nhiệt đới, tạo đệm sinh thái phòng ngừa xâm nhập mặn, giảm tác động biến đổi khí hậu. Theo tính toán, 2 - 5 ha rừng ngập mặn có khả năng xử lý nước thải của 1 ha nuôi trồng thủy sản. |