Tiếp tục nhân rộng mô hình
Mô hình môi trường không khói thuốc ngày càng phát huy hiệu quả |
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, với sự tư vấn của các chuyên gia quốc tế giàu kinh nghiệm và phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam, Chương trình Phòng chống tác hại (PCTH) thuốc lá bắt đầu thực hiện từ những năm 1998, với mô hình cộng đồng dân cư không khói thuốc tại Tuyên Quang và Hải Phòng. Trong mô hình này, các câu lạc bộ như: Câu lạc bộ phụ nữ có người thân không hút thuốc, Chi đoàn thanh niên không khói thuốc, Chi hội nông dân không khói thuốc được triển khai và nhận được ủng hộ mạnh mẽ của người dân trong cộng đồng. Hơn 7 năm sau, với việc nhân rộng mô hình này tại một số tỉnh, thành phố, Chương trình PCTH thuốc lá phối hợp với các bộ, ngành xây dựng thí điểm mô hình không khói thuốc nơi làm việc, trường học, bệnh viện, phương tiện giao thông công cộng... đã có nhiều kết quả khả quan.
Kết quả điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ nhận thức của cộng đồng về tác hại của hút thuốc và hút thuốc thụ động tăng lên đáng kể. Cụ thể, hơn 90% người trưởng thành tin rằng hút thuốc gây các bệnh nguy hiểm; tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nơi làm việc giảm 13,3%, tại trường đại học, cao đẳng giảm 16,4%, tại nhà hàng giảm 4,2%, trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15%, tại cơ sở chăm sóc y tế giảm 5,2%.
Cũng theo PGS.TS Khuê, trong những năm gần đây, nhiều tỉnh thành phố trên cả nước đã phát động xây dựng mô hình thành phố du lịch hướng tới không khói thuốc lá, trong đó có các khách sạn, nhà hàng không khói thuốc. Thực tiễn triển khai cho thấy, ngày càng nhiều địa phương, khách sạn, nhà hàng ủng hộ và thực hiện rất tốt quy định này như thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), khách sạn Lotus (Hạ Long), khách sạn Hữu nghị (Hải Phòng), chuỗi nhà hàng Thái Express, khách sạn Caravelle (TP. Hồ Chí Minh), nhà hàng lẩu Sauna...
Quản lý nhà hàng lẩu Sauna (108 Hàng Bông và ngõ 24 làng Yên Phụ - Hà Nội) cho biết, khi triển khai mô hình nhà hàng không khói thuốc, có tới 70% khách hàng ủng hộ và lựa chọn, trong khi số khách hút thuốc chỉ chiếm khoảng 30%.
Các cuộc kiểm tra liên ngành của lực lượng chức năng tại nhiều nhà hàng ở Hà Nội trong năm 2016 và đầu năm 2017 cũng cho thấy, hầu hết các cơ sở đã có ý thức trong công tác PCTH của thuốc lá tại cơ sở kinh doanh của mình, như có bản cam kết thực hiện các quy định của pháp luật về PCTH của thuốc lá, không bày bán hoặc quảng cáo thuốc lá, đặt biển "cấm hút thuốc" ở nơi dễ dàng nhận biết; các cán bộ, nhân viên của cơ sở đều nhận thức và có ý thức trong việc nhắc nhở các khách hàng chưa chấp hành quy định.
Trên cơ sở kết quả bước đầu của việc triển khai mô hình môi trường không khói thuốc, PGS.TS Lương Ngọc Khuê khẳng định, trong thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh kiểm tra, xử lý vi phạm quy định cấm hút thuốc tại các khách sạn, nhà hàng, chúng tôi sẽ tiếp tục truyền thông để các tổ chức, cơ sở kinh doanh nhận thức được việc xây dựng môi trường không khói thuốc là vì lợi ích sức khỏe và kinh tế của chính họ. Từ đó góp phần bảo đảm tính bền vững của hoạt động PCTH thuốc lá, giảm phơi nhiễm với khói thuốc lá trong cộng đồng.