Ông Phạm Chí Cường- Chủ tịch Hội KHKT ĐLKVN phát biểu tại hội nghị |
Đó là ý kiến phát biểu của ông Phạm Chí Cường- Chủ tịch Hội KHKT ĐLKVN phát biểu tại hội nghị diễn ra sáng nay (19.4), tại Hà Nội.
Thành công sự tâm huyết của chuyên gia
Cụ thể, trong nhiệm kỳ 6, Hội Khoa học Kỹ thuật Đúc - Luyện kim Việt Nam (Hội KHKT ĐLKVN) đã lựa chọn các chuyên đề khoa học kỹ thuật và các chuyên đề quản lý của ngành được các nhà khoa học và các cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm, đồng thời tập hợp đội ngũ các hội viên có trình độ hiểu biết sâu và tâm huyết với ngành tham gia nghiên cứu, biên soạn các tài liệu để trình bày ở các hội thảo chuyên đề, nổi trội là: Hội thảo “Hiệu chỉnh qui hoạch phát triển gang thép tới năm 2025 và tầm nhìn tới năm 2035”; báo cáo của chuyên gia về đánh giá hiệu quả của dự án Bauxit Tây Nguyên và những vấn đề tồn tại của dự án…, đây là những dự án kinh tế lớn, có tầm ảnh hưởng lâu dài đến phát triển kinh tế của Việt Nam nên đã từng được đưa ra thảo luận ở hội thảo cấp Nhà nước.
Bên cạnh đó, Hội còn tham gia nhiều hội thảo. Hầu hết các ý kiến tư vấn phản biện của Hội đã được các cơ quan đánh giá cao về tinh thần trách nhiệm và ý thức xây dựng, đặc biệt là tính khoa học của các đề xuất của Hội.
Trung bình mỗi năm, các nhà khoa học- là Hội viên của Hội đã nhận từ 3 đến 5 đề tài nghiên cứu cấp Bộ và cấp Nhà nước để tập hợp đội ngũ Hội viên tham gia nghiên cứu. Các đề tài được lựa chọn xuất phát từ nhu cầu thực tế của sản xuất ngành Đúc – Luyện kim của Việt Nam. Hầu hết các đề tài đều được hoàn thành đúng thời hạn và được hội đồng nghiệm thu đánh giá từ khá tới xuất sắc, nhiều đề tài đã được ứng dụng trong sản xuất hoặc được tiếp tục nghiên cứu triển khai.
Bên cạnh đó, Hội KHKT ĐLKVN đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Đúc châu Á lần thứ 13 tại Hà Nội. Đây là lần thứ 2 Hội đăng cai tổ chức trong điều kiện gần như phải tự túc hoàn toàn về kinh phí. Tại hội nghị đã có 42 báo cáo của các đại biểu đến từ 13 nước trên thế giới và 22 báo cáo của các nhà khoa học Việt Nam. Qua đây đã thiết lập được mối quan hệ giữa Hội KHKT ĐLKVN với Hiệp hội Đúc châu Âu, Hiệp hội Đúc Trung Quốc và 1 số Hiệp hội các nước... Đáng chú ý, sau hội nghị đã thu hút được các doanh nghiệp Đúc nước ngoài liên hệ với doanh nghiệp Đúc Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất, kinh doanh.
Thực tế cho thấy, Hội KHKT ĐLKVN hoạt động không có kinh phí, nhưng với kinh nghiệm và sự nhiệt tình của các chuyên gia, nhà khoa học, cùng sự liên kết thông qua Hiệp hội Thép Việt Nam, Hội KHKT ĐLKVN đã hợp tác với Hiệp hội Thép Đông Nam Á nhận các đề tài về Thép triển khai, từ đó đã có thêm kinh phí cho hoạt động của Hội.
Các nhà khoa học ở các trường Đại học cũng tăng cường, mở rộng hợp tác với các trường Đại học nước ngoài để trao đổi, giao lưu trong công tác nghiên cứu khoa học về giảng dạy tại các trường. Mối quan hệ hợp tác giữa các nhà Khoa học và các cơ sở Đúc- Luyện kim Việt Nam với Quốc tế ngày càng mở rộng.
Toàn cảnh hội nghị |
Tiếp tục phát huy sức mạnh
Phát huy sức mạnh nội lực của nhiệm kỳ trước, Hội KHKT ĐLKVN tiếp tục bám sát các vấn đề thời sự, kinh tế của ngành Đúc - Luyện kim để đóng góp ý kiến tư vấn, phản biện giúp cho ngành phát triển bền vững. Đồng thời, Hội tiếp tục đăng ký nhận các đề tài nghiên cứu cấp Bộ, cấp Nhà nước để tập hợp đội ngũ trí thức của ngành tham gia công tác nghiên cứu khoa học, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước, đặc biệt là tham gia ý kiến về các dự án luyện kim lớn được Nhà nước cho phép đầu tư khi có yêu cầu.
Bên cạnh đó, Hội tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác trong ngành sản xuất Đúc -Luyện Kim với Hiệp hội Đúc Thế giới, Hội Đúc châu Âu và Hiệp hội Đúc các nước Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Australia.... Đồng thời, tổ chức các báo cáo chuyên đề công nghệ mới, kỹ thuật và trong thiết bị Đúc- Luyện Kim mới của chuyên gia các nước tiên tiến tới giao lưu với Hội KHKT Đúc – Luyện kim Việt Nam; Tăng cường công tác giao lưu hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo giữa các Trường Đại học Đúc - Luyện Kim Việt Nam với các trường Đại học các nước.
Ghi nhận thành tích đạt được, trong nhiệm kỳ 6, Hội KHKT ĐLKVN đã được Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.