“Chương trình hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm hiện đang sử dụng thiết bị hiệu suất thấp giai đoạn 2016–2017” được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai thí điểm tại tỉnh Sóc Trăng từ tháng 12/2016, với giải pháp sử dụng gối đỡ con lăn thay thế gối đỡ chữ U tỉ lệ tiết kiệm là 15,2% và khuyến khích áp dụng giải pháp lắp đặt trục quay của động cơ đồng trục với trục quay của dàn quạt, kết hợp sử dụng con lăn tỉ lệ tiết kiệm là 38,7%.
Đây là con số ấn tượng mà ông Nguyễn Chí Nhơn – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng đưa ra mới đây nhằm chứng minh tính hiệu quả của Chương trình thí điểm tiết kiệm điện trong nuôi tôm tại Sóc Trăng.
PV: Thưa ông, tại sao lại có sự chênh lệch hai con số 15,2% và 38,7% hiệu quả tiết kiệm điện?
Ông Nguyễn Chí Nhơn: Vâng, để hiểu rõ vấn đề thì cần quay ngược trở lại khi chúng tôi mới xây dựng sáng kiến này. Ban đầu, vì là tỉnh nuôi tôm trọng điểm khu vực phía Nam, nên Sóc Trăng đã đầu tư khá bài bản cho hệ thống điện để cung cấp cho các hộ nuôi tôm.
Nếu lắp đặt trục quay của động cơ đồng trục với trục quay của dàn quạt, kết hợp sử dụng con lăn tỉ lệ tiết kiệm điện có thể đạt tới gần 40% |
Trong nuôi tôm, việc cung cấp ô xi hòa tan cho con tôm là quan trọng nhất. Tôm có khỏe, có năng suất cao là nhờ được nuôi đúng qui trình và được cấp đầy đủ ô xi. Do đó, dàn quạt cung cấp ô xi cho tôm phải hoạt động liên tục từ khi con tôm bắt đầu xuống đầm (vuông tôm), cho đến khi xuất bán. Đây là khâu ngốn nhiều điện nhất và nếu giảm được điện ở khâu này sẽ vừa đảm bảo nguồn điện của bà con không bị quá tải, vừa nâng cao được sức cạnh tranh cho con tôm Sóc Trăng, hướng tới sự phát triển ngành tôm bền vững.
Xuất phát từ thực tế đó, chúng tôi đã đề xuất với ngành Điện áp dụng hai giải pháp là: Sử dụng gối đỡ con lăn thay thế gối đỡ chữ U cho dàn quạt và Xử lý trục quay của dàn quạt đồng trục với trục quay của động cơ. Tập đoàn đã phê duyệt và cho Điện lực Sóc Trăng triển khai “Chương trình hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm hiện đang sử dụng thiết bị hiệu suất thấp giai đoạn 2016-2017”.
Đến tháng 12/2017, chúng tôi đã triển khai hỗ trợ giải pháp sử dụng gối đỡ con lăn thay thế gối đỡ chữ U được tổng số 833 hộ trên tổng diện tích là 543,67 ha, gồm 26.378 gối đỡ con lăn với tổng chi phí là 1,4 tỷ đồng. Kết quả thì như tôi đã nói ở trên. Với giải pháp 1, lượng điện tiêu thụ tiết kiệm được 15,2%.
Với giải pháp 2, lắp đặt trục quay của động cơ đồng trục với trục quay của dàn quạt, kết hợp sử dụng con lăn tỉ lệ tiết kiệm là 38,7% hiện chúng tôi mới đang khuyến khích các hộ tham gia sử dụng.
PV: Qua 1 năm triển khai thực hiện, theo ông đâu là vấn đề vướng nhất của Chương trình?
Ông Nguyễn Chí Nhơn: Trong số 833 hộ tham gia Chương trình thì đa số là các hộ nuôi nhỏ lẻ, chỉ áp dụng giải pháp 1 (sử dụng gối đỡ con lăn thay thế gối đỡ chữ U) là giải pháp chúng tôi hỗ trợ hoàn toàn. Chỉ có rất ít hộ trong số này áp dụng giải pháp 2 (lắp đặt trục quay của động cơ đồng trục với trục quay của dàn quạt, kết hợp sử dụng con lăn) là giải pháp chúng tôi khuyến khích áp dụng, thường là các hộ nuôi tôm công nghiệp. Do vậy, tỉ lệ tiết kiệm chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Dàn quạt đang được bảo dưỡng chuẩn bị cho vụ tôm mới |
Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là, với giải pháp 1, suất đầu tư thấp hơn, nên các hộ sẽ có thể tham gia được nhiều hơn. Còn với giải pháp 2, do suất đầu tư cao hơn, người nông dân thực sự không thể có vốn đầu tư, nên dù biết có thể tiết kiệm được nhiều, nhưng “lực bất tòng tâm”, các hộ nuôi tôm cũng không thể triển khai được. Đây là cái khó của Điện lực Sóc Trăng khi triển khai Chương trình này.
PV: Có vẻ như Chương trình này không thể ở tầm vóc của một đơn vị, một tập đoàn mà cần phải có tầm vóc lớn hơn với sự tham gia của các bộ, ngành chức năng?
Ông Nguyễn Chí Nhơn: 833 hộ là con số rất nhỏ so với hơn 11.000 hộ nuôi tôm ở Sóc Trăng. Nhìn thấy tiềm năng tiết kiệm điện trong nuôi tôm thực sự còn rất lớn mà chúng tôi cũng không thể giúp được người dân là điều chúng tôi trăn trở nhất.
Trong khi Sóc Trăng đang là một tỉnh trọng điểm về nuôi tôm xuất khẩu khu vực phía Nam và cả nước, thì tôi nghĩ, một sáng kiến như thế này rất cần được Nhà nước quan tâm, nhân rộng. Nếu cả Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, và các địa phương cùng vào cuộc thì sẽ có nhiều giải pháp để giải quyết bài toán vốn cho bà con nông dân.
Hiệu quả đã rất rõ ràng. Bản thân các hộ tham gia Chương trình của chúng tôi cũng đánh giá rất cao hiệu quả tiết kiệm điện, nhưng rất ít trong số đó có điều kiện tiếp tục nhân rộng mô hình trong các vuông tôm của mình khi không có hỗ trợ. Đây là một thực tế.
Và nếu như tất cả chúng ta cùng ngồi lại, tổng kết để thấy hiệu quả của Chương trình, rồi cùng tìm ra giải pháp để nhân rộng, có thể là một mô hình dịch vụ năng lượng ESCO, các nhà đầu tư cùng chia sẻ lợi nhuận, thì có thể kết quả của mô hình này còn lớn hơn rất nhiều. Đặc biệt là khi nhân rộng sang tất cả các tỉnh đang nuôi tôm khác, thì hiệu quả là vô cùng lớn.
Có thể nói, tiềm năng tiết kiệm điện là rất lớn, vấn đề là cơ chế nào để hỗ trợ người dân nhân rộng được các giải pháp tiết kiệm điện cho hiệu quả.
PV: Phát triển mạnh nuôi tôm nhưng đâu đó vẫn có những vụ tai nạn điện giật trên các vuông tôm rất thương tâm. Vậy Điện lực có những giải pháp nào để hạn chế tình trạng này?
Ông Nguyễn Chí Nhơn: Nếu chỉ nhìn vào con số người chết trên vuông tôm do điện giật thì là cái nhìn phiến diện và không công bẳng cho ngành Điện. Nếu các hộ đều tuân thủ những khuyến cáo của ngành Điện và quy định của Nhà nước thì việc sử dụng điện trên các vuông tôm sẽ rất an toàn.
Sở dĩ có tình trạng trên là do, người nông dân thường sử dụng các thiết bị, vật tư trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kém dẫn đến rò rỉ điện. Hoặc họ lại tiết kiệm, câu điện tự phát, bỏ qua các biện pháp an toàn nên mới dẫn đến các tai nạn điện giật. Điều này xuất phát từ ý thức kém, nhưng bên cạnh đó cũng là bài toán về tiền, ít tiền thì phải chọn cái rẻ, rẻ thì kém chất lượng, kém an toàn, cái vòng luẩn quẩn đổ lên đầu người nông dân.
Để hạn chế tình trạng này, chúng tôi cũng mong các cơ quan ban ngành cùng phối hợp quản lý, kiểm tra việc sử dụng điện của bà con, đảm bảo các thiết bị đúng tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo an toàn.
Về phía Công ty, đã phát Cẩm nang sử dụng điện an toàn – tiết kiệm – hiệu quả đến các hộ nuôi tôm trên địa bàn các huyện, xã trọng điểm. Trong Cẩm nang này có hướng dẫn khá chi tiết các mô hình dùng điện tiết kiệm, giới thiệu các thiết bị và hướng dẫn qui trình vận hành an toàn.
Cũng hy vọng bà con sẽ quan tâm và tự nâng cao ý thức tự giác trong việc sử dụng điện an toàn để bảo vệ mình và an toàn cho cộng đồng.
PV: Vậy kế hoạch của Điện lực Sóc Trăng trong năm 2018 có tiếp tục nhân rộng mô hình này, thưa ông?
Ông Nguyễn Chí Nhơn: Trong năm 2018, chúng tôi sẽ triển khai giải pháp mới theo Đề án “Giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm tại tỉnh Sóc trăng, Cà Mau và Bạc Liêu giai đoạn thí điểm 2017-2018”. Đề án tập trung vào giải pháp khuyến khích thay thế các loại động cơ cũ bằng động cơ hiệu suất cao, kết hợp bộ giảm tốc và sử dụng con lăn cho dàn quạt tạo ô xi.
Về vấn đề này, Công ty đã trao đổi và thỏa thuận hợp tác với Công ty CP Chế tạo máy điện Việt Nam – Hungari (Vihem), là thương hiệu lớn về sản xuất, chế tạo và sửa chữa động cơ điện hiệu suất cao trên thị trường để xúc tiến giới thiệu thiết bị đến người sử dụng.
Qua đánh giá kỹ thuật cho thấy động cơ điện của Vihem có khả năng tiết kiệm cao hơn so với loại động cơ cũ khoảng 18-20%, có thể sử dụng để hỗ trợ nuôi tôm trong thời gian tới.
Chúng tôi cũng mong rằng, các cơ quan ban ngành sẽ cùng chung tay giải quyết các vấn đề phát sinh để tạo điều kiện cho ngành tôm phát triển bền vững.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Hồ Nga - Tapchislyers.com xuất bản ngày 16/04/2018