Thông tư nêu rõ, nguyên tắc chung lựa chọn nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình công nghệ cao. Công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao được phát triển, tạo ra từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải đáp ứng các tiêu chí sau: Thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Hoạt động nghiên cứu, sản xuất tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc |
Bên cạnh đó, có tính mới, có khả năng đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ; có chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật đạt tiêu chuẩn khu vực hoặc quốc tế; được kiểm định tại đơn vị độc lập có chức năng và năng lực kiểm định; tuân thủ tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; có khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường trong nước và ngoài nước.
Mục tiêu của nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải rõ ràng, phù hợp với Khung chương trình thành phần thuộc Chương trình công nghệ cao đã được các Bộ phê duyệt, định lượng được và phải có tác động quan trọng tới việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của ngành, lĩnh vực, đất nước; dự kiến quy mô thị trường, giá trị công nghệ và sản phẩm được tạo ra từ nhiệm vụ phải đủ lớn.
Tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải có khả năng huy động nguồn lực từ bên ngoài để bảo đảm tài chính, công nghệ và những yếu tố khác cho việc thực hiện thành công dự án; phải có kinh phí đối ứng hợp pháp từ các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước cho hoạt động nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam. Trường hợp khác do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định.
Khuyến khích nhiệm vụ khoa học và công nghệ tạo ra công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao trên cơ sở làm chủ công nghệ thuộc lĩnh vực công nghệ có ý nghĩa then chốt hoặc công nghệ, sản phẩm chủ lực của các ngành, lĩnh vực và địa phương, có tiềm năng thương mại hóa và tiêu thụ trên thị trường.
Đối với tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ là doanh nghiệp mới được thành lập chưa có báo cáo tài chính tại thời điểm triển khai nhiệm vụ, tổ chức chủ trì phải có cam kết bảo lãnh của ngân hàng trước ngày ký hợp đồng.
Trong Thông tư cũng nêu, Dự án khoa học và công nghệ phải đáp ứng tiêu chí sau: Công nghệ được nghiên cứu phát triển trong dự án khoa học và công nghệ phải thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển được ban hành kèm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và phải thuộc một trong những trường hợp sau: là công nghệ được nghiên cứu phát triển, ứng dụng để tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu; được nghiên cứu để thay thế công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài.
Mục tiêu, nội dung của dự án khoa học và công nghệ phải gắn kết hữu cơ, đồng bộ, được tiến hành trong một thời gian nhất định và được triển khai dưới hình thức đề tài khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm.
Kết quả của dự án khoa học và công nghệ phải đáp ứng một trong các điều kiện sau: bảo đảm cho việc phát triển công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực trong từng giai đoạn đáp ứng nhu cầu thực tiễn, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao; có ý nghĩa quyết định đến việc tạo ra sản phẩm chủ lực của các ngành kinh tế; tạo ra dịch vụ công nghệ cao công ích, hình thành doanh nghiệp công nghệ cao trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học.
Mặt khác, tổ chức chủ trì và Chủ nhiệm dự án khoa học và công nghệ phải đáp ứng yêu cầu sau: Tổ chức chủ trì có tư cách pháp nhân, có đủ năng lực về cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực, khả năng triển khai, phối hợp nghiên cứu và ứng dụng kết quả dự án khoa học và công nghệ vào sản xuất.
Ưu tiên tổ chức chủ trì đang triển khai dự án đầu tư thuộc lĩnh vực có liên quan đến dự án khoa học và công nghệ đề xuất đã được cấp Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc đã được triển khai trong khu công nghệ cao (đối với dự án đầu tư cơ sở nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao để sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao), khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (đối với dự án đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao để sản xuất sản phẩm nông nghiệp, cung ứng dịch vụ công nghệ cao);
Chủ nhiệm dự án khoa học và công nghệ là lãnh đạo của tổ chức chủ trì dự án khoa học và công nghệ, có đủ thời gian và khả năng tổ chức thực hiện dự án khoa học và công nghệ. Trường hợp khác do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định.
Tính đến thời điểm đăng ký tham gia thực hiện dự án khoa học và công nghệ, tổ chức chủ trì dự án khoa học và công nghệ phải có ít nhất 01 bài báo khoa học hoặc 01 đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích thuộc lĩnh vực của dự án phù hợp với thực tiễn, có khả năng ứng dụng trực tiếp vào sản xuất hoặc 01 đề tài, dự án trong lĩnh vực liên quan từ cấp Bộ (hoặc tương đương) trở lên đã được nghiệm thu hoặc chuyển giao công nghệ.
Hệ thống quản lý chất lượng của dự án khoa học và công nghệ phải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định về quản lý chất lượng sản phẩm. Tuân thủ và áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; trường hợp chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thì áp dụng tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế chuyên ngành. Khuyến khích, ưu tiên dự án khoa học và công nghệ có sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.