Đó là lời phát biểu của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tại Diễn đàn Đối thoại chính sách quốc gia về Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp tại Tiểu vùng sông Mekong do Bộ Công Thương tổ chức ngày 14/12 tại Hà Nội.
Thứ trưởng nhấn mạnh, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng nhằm giải quyết nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trong và ngoài nước về thực phẩm chất lượng cao. Tại Tiểu vùng Mekong, lao động nông nghiệp chiếm 32%-70% trong tổng lực lượng lao động, nhưng chỉ đóng góp khoảng 11%-30% vào GDP. Mặc dù chưa khai thác tối ưu sự kết nối giữa nhà sản xuất với các thị trường nội địa và quốc tế, Tiểu vùng Mekong vẫn là khu vực có tiềm năng phát triển nông nghiệp, về mặt sản lượng và giá trị gia tăng, đóng góp cho sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, đến nay ASEAN vẫn tiếp tục tập trung vào phát triển lĩnh vực nông nghiệp nhằm chuẩn bị cho việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và xây dựng thị trường đơn nhất trong khu vực.
Các nước tiểu vùng Mekong, trong đó có Việt Nam đều đã và đang tiếp tục quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và xã hội, nổi bật là công nghiệp hoá và đô thị hoá. Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ về nguồn lực dành cho nông nghiệp, cụ thể là các tài nguyên đất, nước và lao động. Sự mở rộng về chiều rộng, tức gia tăng diện tích canh tác, sản xuất, chủng loại... sẽ ngày càng khó khăn hơn. Vì vậy, sự phát triển về chiều sâu, tức tập trung vào các loại sản phẩm giá trị cao, đảm bảo tiêu chuẩn, gia tăng hàm lượng chế biến, đối phó hiệu quả với các rủi ro bệnh dịch, thiên tai, bất ổn của thị trường... là hướng đi duy nhất đúng đắn cần thiết cho ngành nông nghiệp các nước trong tiểu vùng.
Từ góc độ khu vực, ông cũng chỉ ra rằng, sự gần gũi về địa lý, chung dòng nước của con sông Mekong, chung thổ nhưỡng... là điều kiện thuận lợi cho hợp tác sản xuất nông nghiệp quy mô và bổ trợ lẫn nhau giữa các nước, xét đến khả năng hài hoà hoá tiêu chuẩn, quy trình sản xuất nông nghiệp, cũng như khả năng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp giá trị gia tăng giữa các nước. Từ đây, các chuỗi giá trị nông nghiệp có thể thiết lập để tạo ra các sản phẩm cho khu vực ASEAN, Đông Á và các thị trường bên ngoài khu vực.
Về vấn đề này, ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương chia sẻ, nền nông nghiệp mới cần đảm bảo được 3 yếu tố. Đó là nhờ quy mô để hấp thụ được vốn và công nghệ; gắn kết được tất cả những bên liên quan vào trong chuỗi sản xuất, cung ứng của nông nghiệp, bắt đầu từ giống cho đến thị trường trong nước và nước ngoài; bên cạnh đó là phải gắn được với các vấn đề xã hội, văn hóa, tính vùng miền của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam và cách thức sống của Việt Nam.
Trên con đường hướng tới một ngành nông nghiệp năng động, có giá trị tăng cao và phát triển bền vững tại khu vực, một số vấn đề cần được chú trọng và giải quyết như ưu tiên cơ sở hạ tầng để kết nối nhà sản xuất với các thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa; tăng cường chuỗi cung ứng nông nghiệp và trao quyền cho các nhà sản xuất nhỏ lẻ.
Cũng tại diễn đàn, Giáo sư Sisira Jayasurya - Giám đốc Trung tâm Kinh tế Phát triển và Bền vững cho rằng, khu vực Tiểu vùng sông Mekong có nhiều điều kiện để phát triển nông nghiệp như đất đai, nguồn nước, khí hậu và cả con người. Khu vực này cũng nằm cạnh các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Vấn đề là phải tận dụng được những lợi thế đó để phát triển.
Để làm được điều này, Việt Nam cần nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, để đạt được tiêu chuẩn mà các thị trường nhập khẩu yêu cầu, Chính phủ phải hỗ trợ và có những chính sách về việc xây dựng cơ sở hạ tầng để giúp đỡ các nông hộ nhỏ lẻ liên kết với các doanh nghiệp lớn để đạt được lợi ích tối đa.