Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan - Ocha (giữa) tại Diễn đàn Quản lý bền vững tài nguyên nước Thái Lan 2016 |
Tại diễn đàn, các bên liên quan trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước - từ các cấp chính quyền cho tới các khu vực công và tư của các quốc gia trong khu vực như Campuchia, Việt Nam, Myanmar... đã hướng tới tìm ra các sáng kiến cho việc quản lý tài nguyên nước với các vấn đề cụ thể như: Cung cấp nước; Quản lý nước và nhu cầu nước nhằm hướng tới lợi ích chung cho từng quốc gia và toàn khu vực.
3 quốc gia kiểu mẫu như Israel, Hà Lan, Singapore cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm thành công để các nước học hỏi trong việc thiết lập nhận thức về giá trị của tài nguyên nước, tìm kiếm những ứng dụng công nghệ tối ưu nhằm tăng cường và lưu giữ nguồn cung cấp nước.
Với nhu cầu nước toàn quốc lớn gấp hai lần tổng lượng cung nước, rất ấn tượng khi Israel đã tăng lượng nước cung cấp bằng công nghệ lọc nước biển, tái chế 100% nước thải và ngày nay họ trữ nước dưới tầng ngầm cho mục đích sử dụng trong tương lai. Hà Lan, với điều kiện tự nhiên của mình đã phát triển hệ thống kiểm soát ngập lụt không những góp phần ngăn lụt mà còn duy trì sự cân bằng giữa nước biển, nước ngọt và nước ngầm... Hay việc Singapore có một chính sách quốc gia “Nước là an ninh quốc gia”, chính vì vậy quốc gia này có một trong những chính sách quản lý nước tốt nhất trên thế giới.
Tại Thái Lan, theo định hướng của Nhà Vua Thái Lan, để tối ưu hóa nguồn tài nguyên nước cần nhận thức rằng “Nước là cuộc sống” và cần quản lý tài nguyên nước từ đầu nguồn cho tới các đại dương. Điều này cũng bao gồm duy trì và bảo tồn các khu rừng tự nhiên và quản lý dòng nước vào, ra các hệ thống tưới tiêu chính.
Theo tiến sĩ Sumet Tantivejkul - Chủ tịch Quỹ Utokapat dưới sự bảo trợ của Nhà Vua Thái Lan thì Thái Lan một nước nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào dự trữ nước. Mặc dù lượng mưa lớn hàng năm, nhưng không có khả năng giữ lại lượng nước này. Vì vậy, biến lượng nước mưa thành nước dự trữ và quản lí việc sử dụng nước một cách thông minh và hợp lí là những điều kiện cực kỳ quan trọng.
Khô hạn và xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp |
Ông Roongrote Rangsiyopash - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG cho biết, trong hơn 10 năm qua, thông qua chiến dịch “SCG bảo tồn nước cho mai sau”, SCG đã nghiên cứu những vấn đề gốc rễ, tìm kiếm giải pháp cho tương lai, đồng thời xây dựng nhận thức về bảo tồn tài nguyên nước trong mỗi cộng đồng, tại mỗi quốc gia mà SCG thực hiện đầu tư trong đó có Việt Nam.
Theo ông Roongrote Rangsiyopash, với những gì người Thái đang đối mặt về biến đổi khí hậu cũng giống như trận hạn mặn khốc liệt ở đồng bằng sông Cửu Long hay hạn hán khu vực Nam Trung bộ của Việt Nam vừa qua đã khiến người ta giật mình nghĩ lại: nước trông có vẻ vô tận, song trên thực tế nước cho sinh hoạt, sản xuất... đã thiếu trầm trọng, có nơi đến mức khan hiếm và khô hạn kéo dài. Và hơn bao giờ hết chúng ta cần phải hành động bảo vệ tài nguyên nước càng sớm càng tốt.