Tìm cách cân bằng giới tính trong khối ngành kỹ thuật
Theo số liệu đến từ Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tỷ lệ phụ nữ trong các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học chỉ chiếm 37%. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới hiện nay là do còn tồn tại định kiến về nữ giới. Những định kiến này xuất hiện và tác động trực tiếp tới nữ giới ngay từ nhóm tuổi đi học và kéo dài đến quãng tuổi lao động. Chính điều này đã vô tình gây nên những cản trở ảnh hướng đến sự phát triển sự nghiệp của phái nữ trong lĩnh vực kỹ thuật, khoa học (STEM). Minh chứng rõ ràng nhất từ dữ liệu của Oxfam cho rằng, phụ nữ chỉ được trả số lương thấp hơn nam giới tới 11% cho cùng một loại công việc.
Để giải quyết vấn đề này một cách triệt để, năng lực của nhóm nữ giới cần phải được xã hội công nhận. Tuy nhiên để làm được điều đó thì tuyên dương những người phụ nữ tiêu biểu, đạt được thành tựu nhất định trong khối ngành STEM thôi là chưa đủ, cần phải quan tâm nuôi dưỡng những thế hệ kế cận, đưa ra được những hành động thiết thực, cụ thể và chi tiết nhằm hỗ trợ nữ giới ngay từ giai đoạn còn đi học.
Các bạn sinh viên nữ đều là những người trẻ năng động, cầu tiến nhưng lại thiếu đi định hướng nghề nghiệp và thiếu kết nối với những thế hệ đi trước. Nhóm nữ giới này cần được nhận lời khuyên, được truyền cảm hứng, được dẫn dắt bởi những người phụ nữ có kinh nghiệm trong ngành STEM để có thể bước vào thị trường lao động một cách tự tin, bản lĩnh. Khi ấy, vấn đề mất cân bằng giới trong khối ngành STEM sẽ được dần tháo gỡ và mở ra bức tranh lạc quan hơn về nghề.
Tại toạ đàm "Nữ nhà khoa học & Kỹ sư tương lai” được tổ chức vào ngày 21/4 trong khuôn khổ Dự án Nữ kỹ sư tương lai - Định hướng nghề nghiệp & Tăng cường kết nối, PGS.TS Nguyễn Thị Loan, Giảng viên cao cấp của Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHKHTN-ĐHQGHN) đưa ra lời khuyên: “Các bạn nữ sinh viên chuyên ngành kỹ thuật hãy luôn tập trung vào lĩnh vực chuyên môn, đặt mục tiêu càng sớm càng tốt và luôn cố gắng mở rộng kết nối."
Là người dành cả 2 học bổng thạc sĩ và tiến sĩ và có 10 năm học tập và làm việc tại Mỹ, TS. Nguyễn Thuý Anh, cán bộ làm việc tại Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã có phần chia sẻ về kinh nghiệm lập kế hoạch và tầm quan trọng của kết nối hợp tác trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh: "Việc tự lập từ sớm và có trách nhiệm với bản thân sẽ là một điều may mắn để các bạn phát triển, tự tin đứng trên đôi chân của mình và bước vào cuộc sống”
PGS.TS Hồng Minh - Chi hội trưởng Nữ trí thức ĐHKHTN-ĐHQGHN nêu ý kiến của bản thân về sự cần thiết về việc lập ý tưởng và làm việc nhóm: “Ý tưởng dù bé, dù to đều là sự tiên quyết cho sự phát triển, Các bạn trẻ hiện nay đều có trong tay những công cụ, kỹ năng để tạo ra những ý tưởng đổi mới, sáng tạo. Bằng việc phối hợp làm việc nhóm và triển khai những ý tưởng mới dựa trên 3 tiêu chí “chuyên tâm”, “hoà đồng”, “bản lĩnh”, tôi tin chắc rằng các bạn có thể thực hiện hoá thành công những ý tưởng của mình.
Bà Trần Thị Thu Phương, sáng lập Mạng lưới hiệu quả năng lượng Việt Nam EEN-Vietnam chia sẻ với các nữ sinh viên về hành trang ứng tuyển thành công: “Để chuẩn bị sẵn sàng bước vào môi trường lao động, các bạn phải luôn nắm bắt và hiểu biết về ngành, nghề, lĩnh vực mà mình đang hướng tới. Thị trường làm việc luôn thay đổi, từng ngày, từng giờ, vậy nên việc các bạn không ngừng học tập và tìm hiểu sẽ góp phần làm rõ định hướng và mở rộng cơ hội nghề nghiệp dành cho bản thân sau này.
Chương trình nhằm mục đích góp phần kiến tạo thế hệ nữ nhà khoa học và kỹ sư tài năng tại Việt Nam thông qua tư vấn định hướng nghề nghiệp và tạo cơ hội kết nối chuyên gia dành cho các sinh viên nữ theo học tại các trường khoa học và kỹ thuật tại Việt Nam. Tọa đàm có sự tham gia của 5 nữ chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nhân, giảng viên tiêu biểu cùng hoạt động thảo luận trao đổi giữa các diễn giả và hơn 40 sinh viên đến từ trường Đại học Khoa học tự nhiên tham dự.