CôngThương - Những diễn biến bất lợi tại Nhật, thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong nhiều năm qua, do thảm họa động đất - sóng thần, khiến nhiều doanh nghiệp bắt đầu nghĩ đến việc điều chỉnh cơ cấu xuất khẩu, nhằm giảm thiểu những khó khăn ở thị trường này.
Đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe hơn
Hai thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam là Mỹ và EU ngày càng “khó tính”, bằng những rào cản phi thuế quan, tiêu chuẩn nhập khẩu khắt khe hơn. Các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần sớm nắm bắt những quy định mới này.
Theo ông Lê Văn Đạo, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ngoài những vấn đề về chất lượng, giá cả, năm 2011, các nhà nhập khẩu EU sẽ nhập khẩu hàng hóa có chọn lọc hơn. Chẳng hạn sản phẩm nhập khẩu vào EU phải đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, các chất độc hại không được dùng trong sản xuất hàng may mặc theo quy định EU, áp dụng tiêu chuẩn về an toàn đối với các sản phẩm dùng cho trẻ em. Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải tuân thủ những quy định về ghi nhãn mác, môi trường (xử lý nước thải), trách nhiệm xã hội... mới có thể xuất khẩu vào thị trường này.
Theo Vitas, trong năm 2011 người tiêu dùng EU có xu hướng tập trung vào các sản phẩm vải dệt kim. Mỗi năm, EU tiêu thụ nhóm hàng này khoảng 120 tỉ euro, chiếm 45% tiêu dùng toàn cầu. Nhóm hàng này tăng trưởng trung bình 2%/năm ở thị trường EU. Trong đó năm quốc gia Đức, Anh, Pháp, Ý và Tây Ban Nha chiếm 74% lượng tiêu dùng toàn khối.
Ngoài ra, ở nhóm hàng đồ ngủ và đồ lót, thị trường EU cũng chiếm đến 31% lượng hàng tiêu dùng toàn cầu, tương đương 38,1 tỉ euro. Năm quốc gia nêu trên vẫn chiếm trên 70% lượng tiêu dùng trong khối EU. Ở nhóm hàng này, xu hướng tiêu dùng của thị trường có thay đổi, hàng cao cấp chiếm 10%, trên trung bình 20%, trung bình 25% và dưới trung bình 35%, loại rẻ tiền 10%.
Đối với mặt hàng thủy sản, thị trường EU cũng có những thay đổi đáng chú ý. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các sản phẩm thủy sản có thương hiệu ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong các nhóm sản phẩm đóng hộp, chế biến sẵn hoặc đông lạnh. Ngoài một số quốc gia có thói quen dùng các sản phẩm thủy sản tươi như Tây Ban Nha, Ý..., sản phẩm có thương hiệu chiếm thị phần nhỏ hơn.
Một nghiên cứu về nhu cầu tiêu dùng hàng thủy sản ở EU cho thấy nhóm người tiêu dùng thủy sản nhiều nhất đều trên 50 tuổi. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần tập trung vào nhóm hàng chế biến sâu, nhiều giá trị gia tăng và tăng tính tiện dụng khi chế biến cho người tiêu dùng. Đặc biệt, nhóm khách hàng này cũng ưa thích những sản phẩm tươi sống, nhưng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và dễ chế biến khi dùng. Một phân khúc khác ngày càng gia tăng ở thị trường EU là nhóm khách hàng nhỏ tuổi (trẻ em) với các sản phẩm thủy sản ăn liền, thủy sản chế biến sẵn như thủy sản chế biến cùng khoai tây (fish&chip), thủy sản đóng hộp...
Một tín hiệu khá khả quan cho mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU là giá trị tiêu thụ thủy sản tiếp tục tăng, đặc biệt là các nước thành viên EU mới. Người tiêu dùng ở khối này dễ chấp nhận các loài thủy sản, chủng loại sản phẩm mới nếu những sản phẩm này đáp ứng được yêu cầu về an toàn và tạo được hình ảnh tích cực cho sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cũng có những thách thức mà doanh nghiệp phải vượt qua, khi người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm thủy sản bền vững, doanh nghiệp phải đáp ứng những quy định về truy nguyên nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Cần có chiến lược dài hạn ở thị trường Mỹ
Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Thị trường này cũng có những thay đổi quan trọng trong năm 2011, gây khó khăn và trở ngại cho hàng xuất khẩu trong nước.
Theo ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ thuộc Bộ Công Thương, kinh tế Mỹ phục hồi chậm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, sức mua của thị trường này có thể giảm sút trong năm nay. Bên cạnh đó, đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất nội địa và các quốc gia xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Chính sách bảo hộ của Mỹ như đạo luật Farm Bill cho mặt hàng thủy sản, Lacey cho sản phẩm gỗ... sẽ tiếp tục gây khó khăn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, để duy trì sức mua của thị trường này, doanh nghiệp cần có những chiến lược dài hạn dựa trên việc đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng tăng trưởng cao nhưng chiếm thị phần thấp ở Mỹ. Quan trọng hơn, doanh nghiệp nên tìm ra những phân khúc thị trường mới thông qua cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài.
Doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đang phải đối mặt với chi phí đầu vào, lãi vay tăng cao. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp khi phải cạnh tranh với những quốc gia xuất khẩu vào Mỹ. Hàng hóa Việt Nam hiện đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc ở thị trường Mỹ. Hiện Trung Quốc đã vượt Canada, trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ đã lên tới hơn 364 tỉ đô la Mỹ. Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Mỹ như dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện tử, đồ chơi... đã bị Trung Quốc chiếm lĩnh.
Để hạn chế khó khăn này, theo đại diện Vụ Thị trường châu Mỹ, doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có tỷ lệ tăng trưởng cao nhưng kim ngạch xuất khẩu còn chiếm tỷ trọng thấp ở thị trường Mỹ. Cụ thể, những sản phẩm vật tư y tế, màn hình và máy chiếu của Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng 0,001% ở thị trường Mỹ, mặt hàng mạch điện chỉ chiếm 0,003%, phụ tùng và linh kiện ô tô, xe máy cũng chỉ ở mức 0,16% thị phần nhập khẩu của Mỹ.
Một phân khúc khác mà Vụ Thị trường châu Mỹ lưu ý các doanh nghiệp trong nước cần chú trọng trong năm 2011 là cộng đồng người Việt ở Mỹ. Theo kết quả của “Nghiên cứu về cộng đồng người Mỹ” do quốc gia này vừa công bố, hiện có hơn 1,3 triệu người Việt Nam đang sống ở Mỹ, chiếm 10,5% và đứng thứ 4 trong số các cộng đồng người Mỹ gốc Á. Hơn 1,3 triệu người Việt ở Mỹ vẫn có nhu cầu sử dụng các mặt hàng thực phẩm của Việt Nam, nhưng phần lớn họ phải mua thực phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan và Hàn Quốc. Thực phẩm Việt Nam còn chiếm thị phần khá nhỏ ở các siêu thị tại Mỹ. Doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm trong nước cần sớm khai thác phân khúc này. Nếu tận dụng tốt, doanh nghiệp không chỉ đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người Việt mà còn có cơ hội mở rộng thị phần ở Mỹ thông qua các cộng đồng người châu Á khác.