Tìm giải pháp phát triển hợp tác xã trong tình hình mới
Tin hoạt động 19/09/2017 16:09
Tham dự hội nghị ngoài sở công thương các tỉnh, thành còn có đại diện các Bộ, ngành, ngân hàng có liên quan.
Tại hội nghị, nhiều vấn đề được đặt ra về những ưu thế cũng như vướng mắc của Luật Hợp tác xã 2012 để trình lên cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung cho sát với thực tế…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, sau khi được ban hành, Luật Hợp tác xã năm 2012 đã định hướng phát triển cho các hợp tác xã, đáp ứng nhu cầu và lợi ích các thành viên tham gia. Sau nhiều năm triển khai, khu vực kinh tế hợp tác xã có nhiều chuyển biến tích cực thể hiện trên nhiều mặt. Số lượng hợp tác xã thành lập mới tăng lên, doanh thu và thu nhập của người lao động trong hợp tác xã được cải thiện. Các hợp tác xã từng bước hoạt động ổn định, cơ bản đã chuyển đổi hoạt động theo luật.
Cùng với đó, trình độ quản lý hợp tác xã được nâng cao rõ rệt. Hoạt động khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã ngày càng tăng lên, lành mạnh và có nhiều khởi sắc hơn cả về số lượng lẫn chất lượng.Thống kê sơ bộ, năm 2016, toàn quốc có gần 20 ngàn hợp tác xã, thu hút trên 6 triệu thành viên tham gia.
Theo Vụ phó Vụ Kế hoạch đầu tư Huỳnh Đắc Thắng, từ khi thực thi Luật Hợp tác xã năm 2012, tình hình phát triển hợp tác xã đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Trong đó, các mô hình hợp tác xã thương mai, dịch vụ phát triển năng động hơn, các thành viên tự động góp vốn, tài chính công khai, tích cực tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh sản phẩm uy tín. Tuy nhiên, nội tại năng lực của các hợp tác xã còn yếu kém, các cơ chế hỗ trợ từ cấp chính quyền còn chưa đồng bộ, bất cập gây khó khăn nhất định cho hợp tác xã ngành Công Thương.
Các đại biểu bàn thảo, góp ý nhiều giải pháp tại hội nghị |
Tại hội nghị, đại diện các sở công thương TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Thái Bình, Đồng Nai… cũng đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất thiết thực, xuất phát tồn tại từ chính các địa phương đó. Đơn cử, đại diện Sở Công Thương TP. Cần Thơ cho rằng, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa thực sự có lời giải đáp. Đó là, tiêu chuẩn ai là xã viên và hợp tác xã lập ra để làm gì?, Hợp tác xã quản trị như thế nào? Nhà nước đã giúp gì cho hợp tác xã?. Nếu làm rõ được 3 câu hỏi trên cùng với việc đưa ra các cơ chế, chính sách ưu đãi hơn đối với mô hình hợp tác xã thì loại hình này sẽ phát triển mạnh.
Đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho rằng, kinh tế tập thể mà mô hình hợp tác là một ví dụ cho thấy, kinh tế tập thể đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Hợp tác xã sẽ là nòng cốt, kênh huy động thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, cần những hình thức, cách làm hữu hiệu hơn…
Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, bên cạnh những thành quả đạt được, trong quá trình triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012 còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý, cơ chế... Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng ghi nhận những đóng góp, đề xuất một cách thẳng thắn, chủ động và mang tính xây dựng, tích cực cao của nhiều đại biểu. Từ căn cứ này, ngành Công Thương sẽ đưa ra những giải pháp phát triển hợp tác xã trong tình hình mới.
“Hợp tác xã là cá thể vi mô. Nếu cá thể phát triển mạnh thì phong trào, toàn thể sẽ đi lên. Do đó, tôi mong muốn hợp tác xã đoàn kết lại, xây dựng, phát triển”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng chia sẻ.