Toàn cảnh hội thảo Du lịch Hà Giang |
Tham dự Hội thảo có ông Hồ Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, đại diện lãnh đạo Ban kinh tế Trung ương,các Bộ ban ngành, địa phương, doanh nghiệp. Sự kiện còn thu hút hàng chục nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Phát biểu chào mừng, ông Trần Đức Quý cho biết, Hà Giang là một tỉnh miền núi, biên giới cực Bắc của tổ quốc có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh và phát triển du lịch. Trong nhiều năm gần đây, Hà Giang đã nỗ lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, tăng cường công tác quảng bá xúc tiến du lịch, nên đã thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch Hà Giang vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập, kết quả chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh như thiếu sự đầu tư trọng điểm, số lượng dự án triển khai còn ít, hiệu quả chưa cao; sản phẩm dịch vụ du lịch chưa đa dạng, phong phú; Chất lượng nguồn nhân lực còn yếu và thiếu, việc liên kết phát triển du lịch chưa được quan tâm...Các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển du lịch chỉ mới hỗ trợ cho loại hình du lịch cộng đồng chứ chưa áp dụng cho các đối tượng khác. Rồi doanh nghiệp còn gặp khó khăn vay vốn vay ưu đãi. Đây cũng chính là lý do mà Hà Giang tổ chức hội thảo này.
Tại Hội thảo, nhiều tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đã nêu bật những tiềm năng lợi thế của Hà Giang trong phát triển kinh tế du lịch. Đơn cử, lợi thế nổi bật của Hà Giang phải kể đến tài nguyên thiên nhiên như Cao nguyên Đá Đồng Văn, cảnh quan Núi đôi - Cổng trời, đỉnh Mã Phì Lèng, Thác Tiên – Đèo gió, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì... Bên cạnh đó là hàng loạt phong tục truyền thống độc đáo của người dân tộc thiểu số...
Tuy nhiên để phát huy được lợi thế này, biến Hà Giang thành trung tâm du lịch hạt nhân của vùng Đông Bắc có gắn kết với Tây Bắc và các địa phương của Trung Quốc, các đại biểu đã đưa ra nhiều khuyến nghị cụ thể.
Phó Gs. Ts Phạm Trung Lương – Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng cần phải nâng cao nhận thức của các bên tham gia,cộng đồng, đặc biệt là doanh nghiệp; Triển khai nghiên cứu cụ thể các đề tài trên cơ sở lợi thế so sánh; Xây dựng được sản phẩm đặc thù tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút khách; Xây dựng thương hiệu Hà Giang. Bên cạnh đó, Hà Giang cần xây dựng được hệ thống cơ chế chính sách đặc thù nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch. Và điều không thể thiếu đó là tăng cường sự hỗ trợ của nhà nước về hạ tầng giao thông; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, truyền thông về du lịch.
Ông Trần Hữu Sơn – Giám đốc Sở Văn hóa TTDL Lào Cai chia sẻ, muốn phát triển du lịch trước hết người lãnh đạo phải thay đổi nhận thức, phải truyền được sự quyết tâm của người đứng đầu cao nhất đến các lãnh đạo đứng đầu cơ quan, địa phương. Phát triển kinh tế - du lịch phải mang tính bền vững, dài hạn. Không nên chỉ nhìn cái lợi trước mắt, như những bài học về thủy điện, khai thác khoáng sản. Đối với Hà Giang cần phát huy lợi thế đặc biệt của Cao nguyên đá như hình thành “văn hóa đá” trên cơ sở làm nổi bật nét đẹp tự nhiên với các nét văn hóa độc đáo của các dân tộc. Việc tăng cường liên kết giữa các địa phương Đông Bắc - Tây Bắc hay kết nối với châu Vân Sơn (Trung Quốc) cần sự hợp tác, phối hợp giữa các bên để hình thành tour tuyến, đưa ra những sản phẩm du lịch độc đáo...
Nhiều ý kiến đề xuất dù xây dựng cơ chế chính sách như thế nào cũng cần tính đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp, đồng thời có cơ chế quản lý bảo vệ, bảo tồn và phát huy những giá trị thiên nhiên, văn hóa truyền thống...một cách bền vững.