Bộ Công Thương khảo sát, tìm hiểu hoạt động dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng tại Bình Dương Thăng hạng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu |
Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng còn thấp
Chia sẻ tại Diễn đàn kinh doanh với chủ đề “Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào chiều 26/6 tại Hà Nội, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI cho rằng: Hiện Việt Nam có gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng doanh nghiệp lớn chỉ chiếm khoảng 2%, còn lại là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại Diễn đàn |
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Quang Phòng, vấn đề chính với các doanh nghiệp nhỏ và vừa là thiếu kỹ năng quản lý, ít đổi mới công nghệ, khả năng tiếp cận tài chính còn rất nhiều hạn chế. Trong khi đó, việc kết nối kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước còn hết sức mờ nhạt. Hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế. Hiện đã có những doanh nghiệp ngành ô tô, xe máy và điện tử trong nước đã hội nhập thành công, tuy nhiên con số còn rất khiêm tốn.
Cũng theo thông tin tại Diễn đàn, hiện Việt Nam có 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, nhưng chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng. Việc ứng dụng khoa học – công nghệ, đặc biệt là thương mại điện tử vẫn chưa được tận dụng triệt để khi các mô hình kinh doanh xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận chậm với thị trường tiêu thụ, qúa trình thông thương hàng hoá chậm, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng: Thực tế đang có sự chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam, điều này thể hiện qua việc dòng vốn FDI từ Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ.
Diễn đàn kinh doanh với chủ đề “Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp” do VCCI tổ chức vào chiều 26/6 tại Hà Nội |
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, luỹ kế đến tháng 5/2024, Việt Nam thu hút được 40.285 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 481,33 tỷ USD đến từ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tuy nhiên kết nối giữa khu vực doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI còn hạn chế.
Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận được chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI là do hạn chế về công nghiệp hỗ trợ, hay chất lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu, tuy nhiên theo ông Nguyễn Tú Anh, “vấn đề quan trọng nhất là do nhu cầu tự thân của các doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI họ có muốn kết nối với doanh nghiệp trong nước hay không?”. Cũng theo ông Nguyễn Tú Anh, để kết nối được hệ sinh thái của doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước phải đầu tư rất nhiều về công nghệ, về con người, đây là rủi ro khiến doanh nghiệp phải tính toán.
Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu
Theo ông Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), để hỗ trợ doanh nghiệp Việt gia nhập sâu hơn và giá trị hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thời gian qua Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến xúc tiến thương mại; xây dựng thương hiệu quốc gia; phát triển công nghiệp hỗ trợ và xuất nhập khẩu hàng hoá.
Diễn đàn thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia kinh tế |
Đặc biệt, ông Hoàng Quang Phòng cho hay: Đa dạng chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị không chỉ là yêu cầu khách quan mà còn là định hướng quan trọng của Đảng, Chính phủ. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh đến việc tiếp tục phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong hình thành và mở rộng chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị. Tại Nghị quyết số 41- NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, Bộ Chính trị đã đưa ra mục tiêu đến năm 2030, một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thời gian qua được ban hành quá nhiều, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn chỉ ra, rất khó để tiếp cận được các chính sách hỗ trợ. Vì vậy, ông Hoàng Quang Phòng nhìn nhận, trong thời gian tới, chính sách hỗ trợ phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp phải là những người đặt ra nhu cầu trước, sau đó Chính phủ thiết kế chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp lớn mạnh, tăng sức cạnh tranh, nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước ở những ngành quan trọng có tiềm năng, liên kết lớn” – Phó Chủ tịch VCCI đề xuất.
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình – Giám đốc Economica Việt Nam cũng đồng ý với quan điểm trên, đồng thời cho rằng, để đầu tư lượng vốn lớn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp phải có niềm tin rằng khoản tiền đầu tư đó phải an toàn và muốn an toàn thì cơ chế chính sách, hay những quy định về pháp luật phải ổn định. Vì thế, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng ổn định, minh bạch rất cần được duy trì để hỗ trợ cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chia sẻ tại Diễn đàn, nhiều ý kiến cũng cho rằng, để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, gia tăng năng lực sản xuất mới nhằm chủ động tạo nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu, đáp ứng nhu cầu sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, đặc biệt thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu. Tạo điều kiện thuận lợi và có các giải pháp tập trung tháo gỡ “rào cản” kỹ thuật để doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới; tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi và tuyên truyền, hướng dẫn về quy tắc xuất xứ và cấp C/O, tự chứng nhận xuất xứ… Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, góp phần giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.