Cuối năm là thời điểm nhu cầu vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp (DN) tăng cao. Tuy nhiên, quý 4 năm nay lại có nhiều bất lợi đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) trong việc đẩy mạnh đầu ra.
Tăng cường hỗ trợ vốn
Như lệ thường, những ngày cuối năm, nhiều NHTM bắt đầu tung ra các chương trình ưu đãi đối với DN vay vốn. Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) giảm khá mạnh lãi suất cho vay đối với nhiều đối tượng DN. Các DN trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ được giảm lãi suất từ 14,5%/năm xuống 12%-12,5%/năm; kinh doanh bất động sản từ 16%/năm xuống 13%-14%/năm; cho vay thu mua lương thực từ 12,5%/năm còn 11,5%/năm…
Từ ngày 19-10, NHTM Phát triển nhà TPHCM (HDBank) có thể cho DN vay SXKD với thời hạn lên đến 20 năm và hạn mức 100% vốn theo nhu cầu thực tế của DN… Bên cạnh đó, từ ngày 1-11, HDBank dành riêng 2.000 tỷ đồng để tài trợ nông dân và DN thu mua, kinh doanh xuất khẩu cà phê với lãi suất ưu đãi, tối đa là 13,5%/năm. NHTM Á Châu (ACB) dành 3.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay bằng 80% lãi suất vay thông thường để hỗ trợ vốn cho nhiều loại hình DN.
Tuy có một số điểm sáng lạc quan như nói trên nhưng theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TPHCM, khó khăn nhất đối với hoạt động ngân hàng là môi trường kinh tế xã hội chưa thuận lợi, quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế chưa bền vững. Thực tế này đã phản ánh qua tốc độ tăng trưởng tín dụng.
Trong 9 tháng đầu năm nay tổng dư nợ tín dụng ở TPHCM chỉ tăng 16% so với cuối năm 2009 và tăng 22,7% so với cùng kỳ (tỷ lệ này của cùng thời điểm năm 2009 tương ứng là 28,8% và 33,6%). Không những vậy, còn xảy ra hiện tượng bất thường là tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đạt con số rất cao so với đầu năm (36,4%) trong khi dư nợ cho vay VND tăng rất thấp (9,4%). Dư nợ tín dụng ngoại tệ chiếm đến 28,7%, tăng 42% so cùng kỳ năm 2009…
Tiếp tục điều chỉnh chính sách
Từ ngày 15-10, nhiều NHTM hưởng ứng lời kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã giảm lãi suất huy động VND xuống tối đa còn 11%/năm. Đây là cơ sở để lãi suất cho vay có thể giảm theo. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất chung vẫn chưa có nhiều mảng màu sáng.
Theo thống kê của NHNN, mặc dù đã có động tác giảm lãi suất huy động nhưng một số NHTM lại phát hành kỳ phiếu với lãi suất khá cao (11,2%/năm). Bên cạnh đó, các NHTM vẫn duy trì các chương trình khuyến mãi như thưởng tiền, lãi suất, tặng quà… nên có thể nói lãi suất huy động thực vẫn cao hơn ngưỡng 11%/năm cũng như mốc 11,2%/năm trước khi có đề nghị của VNBA.
Về lãi suất cho vay, chỉ giảm nhẹ đối với lĩnh vực xuất khẩu, còn các mảng khác lãi suất vẫn ổn định ở mức cao. Lãi suất cho vay VND ở các NHTM nhà nước dao động 14-14,5%/năm; trong khi các NHTM cổ phần tới 15,5%/năm. Không những vậy, lộ trình giảm lãi suất huy động cùng cho vay theo chủ trương “vào 10 ra 12” của Chính phủ cũng như việc tăng trưởng tín dụng sẽ còn gặp không ít trở ngại. Đó là những quy định của hai Thông tư 13/2010/TT-NHNN và Thông tư 19/2010/TT-NHNN. Dù đã có một số cải thiện có lợi nhưng những thay đổi đó vẫn chưa làm thỏa mãn thị trường tín dụng như tỷ lệ cấp tín dụng, hệ số rủi ro…
Để hạ nhanh mặt bằng lãi suất trong lĩnh vực SXKD, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng NHNN có thể mua trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn ngắn. Cùng với đó, lãi suất trái phiếu Chính phủ cũng cần phải giảm xuống để không còn hấp dẫn các NHTM có tiềm lực tài chính mạnh và các NHTM này có thể bơm vốn ra thị trường tín dụng nhiều hơn.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, cho rằng muốn giảm lãi suất, cần thay đổi tư duy người gởi tiền phải được hưởng lãi suất dương (lãi suất tiền gởi tiết kiệm phải cao hơn lạm phát). Theo ông Ngân, lãi suất huy động hiện tại chỉ khuyến khích người dân gởi tiền để lấy tiền lãi tiêu xài hơn là đầu tư SXKD và tất nhiên lĩnh vực SXKD thiếu vốn giá rẻ.
Theo SGGP