Tín hiệu không lời của tiền tệ
Lãi suất đang từ từ bước ra khỏi vùng đáy như sự trồi dậy cản trở sự phục hồi của doanh nghiệp và nền kinh tế. |
Tỷ giá nhìn từ “lỗi và sai sót”
Kể từ đầu năm nay những tranh luận về tỷ giá, cụ thể về việc có nên phá giá tiền đồng hoặc nếu có thì ở mức độ nào, ngày càng trở nên “nóng” hơn trên các diễn đàn kinh tế, các hội thảo giữa một bên là đại diện doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu, học giả với bên kia là cơ quan quản lý.
Bất chấp những ý kiến trái chiều, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiên trì với cam kết sẽ không điều chỉnh tỷ giá hối đoái quá 2% đến hết năm 2015. Gần nhất, NHNN tuyên bố biến động tỷ giá đang chịu áp lực tâm lý hơn áp lực từ thực tế và dẫn chứng cán cân tổng thể của Việt Nam đến cuối quí 1-2015 vẫn dương 5 tỉ đô la Mỹ.
Nhìn vào số liệu từ bảng cán cân thanh toán quốc tế được đăng tải trên trang web của NHNN, bên cạnh cán cân vãng lai, cán cân vốn, cán cân tài chính... có một phần đáng chú ý là lỗi và sai sót. Lỗi và sai sót không phải chỉ có trong cán cân thanh toán của Việt Nam mà hầu như các nước khác đều có. Chỉ có điều tỷ lệ sai sót lớn hay nhỏ mà thôi.
Năm 2014 theo NHNN, lỗi và sai sót trong cán cân thanh toán quốc tế là 6,342 tỉ đô la Mỹ, đã thấp hơn so với những năm trước đó. Trong năm này, thu chuyển giao vãng lai (chính là kiều hối) rất cao, tới 10,345 tỉ đô la Mỹ. Chắc chắn kiều hối chuyển về nước thống kê được, tuy nhiên người nhận kiều hối có bán cả 100% số nhận cho ngân hàng thương mại để ngân hàng bán lại cho NHNN hay không lại là chuyện khác. Không ít người nhận kiều hối bằng ngoại tệ. Theo một chuyên gia ngân hàng, trong lỗi và sai sót thể hiện một phần sự chênh lệch giữa số liệu kiều hối chuyển về và số kiều hối thực được người nhận bán cho ngân hàng.
Ở một phía khác, khi các nhà xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ, không phải tất cả đều bán cho ngân hàng và qua đó đến NHNN. Hiện nay theo quy định chỉ các doanh nghiệp nhà nước phải bán ngoại tệ ngay cho ngân hàng (kết hối), còn doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không hề bị bắt buộc phải kết hối. Một ví dụ điển hình: Công ty Samsung có hàng tỉ đô la Mỹ nằm trên tài khoản tại các ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam. Với doanh số xuất nhập khẩu lớn, Samsung hiểu rõ nếu bán ngoại tệ cho ngân hàng trong nước, khi cần nhập khẩu, liệu họ có được đáp ứng đủ ngoại tệ lập tức và kịp thời. Dễ hiểu là họ chủ động để ngoại tệ trên tài khoản của mình ở một số ngân hàng nước ngoài nào đó như Citibank, HSBC, ANZ...
Trong lúc ngân hàng nội thiếu tiền, ngân hàng ngoại đang thừa tiền. Nhìn tổng thể, tiền không thiếu trong nền kinh tế, nhưng thiếu cục bộ và sự mất cân đối sẽ còn đậm nét. |
Số liệu trên cán cân thanh toán quốc tế, do đó, chỉ thể hiện tiền ngoại tệ vào và ra, chứ chưa thể hiện việc mua và bán ngoại tệ ấy. Mà tác động lên dự trữ ngoại hối, lên lỗi và sai sót chính là mua/bán ngoại tệ. Cán cân tổng thể có thể dương, nhưng ngoại tệ nằm trên tài khoản của doanh nghiệp, kiều hối chi trả bằng ngoại tệ thay cho tiền đồng, thì khó mà nói áp lực lên tỷ giá chỉ xuất phát từ tâm lý.
Thiếu tiền cục bộ sẽ ngày càng trầm trọng?
Những tháng đầu năm 2015 thu ngân sách nhà nước tăng đáng kể so với cùng kỳ, nhưng chi ngân sách cũng tăng và số tuyệt đối bội chi cũng tăng. Một trong những nguồn chủ yếu để bù đắp bội chi là phát hành trái phiếu chính phủ. Khác với cùng kỳ, phát hành trái phiếu quí 1-2015 không còn thuận lợi. Từ đầu tháng 4 đến nay, trái phiếu ế ẩm. Sẽ không có gì lạ nếu những tháng tới trái phiếu sẽ ngày càng khó phát hành.
Nguyên nhân trái phiếu ế là do các ngân hàng thương mại nội địa không còn thừa vốn để mua. Nhà điều hành đang chủ động giữ, củng cố, tăng cường giá trị tiền đồng thông qua kênh bơm/hút tiền để ngăn chặn đầu cơ ngoại tệ. Tín dụng tăng trưởng cũng đang hút vốn. Song, quan trọng hơn cả là sự dịch chuyển của nền kinh tế về khu vực có vốn đầu tư nước ngoài bởi khu vực này hoạt động hiệu quả hơn. Trong xuất khẩu, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang dẫn đầu và khối ngoại đang đóng vai trò then chốt trong tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Khi kinh tế tập trung ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đương nhiên tiền sẽ tập trung ở đó. Mà doanh nghiệp nước ngoài quan hệ chủ yếu với ai? Câu trả lời rõ ràng là với các ngân hàng nước ngoài. Trong lúc ngân hàng nội thiếu tiền, ngân hàng ngoại đang thừa tiền. Tiền thừa ở ngân hàng ngoại lại không chuyển được vào nền kinh tế vì nhu cầu vay vốn của nước ngoài ở Việt Nam không lớn, chưa kể nhiều công ty ngoại có khả năng vay vốn từ công ty mẹ. Ngân hàng nước ngoài cũng không có nhiều hạn mức cho doanh nghiệp trong nước vay. Hậu quả là tiền thừa ngày càng thừa ở nơi thừa và ngày càng thiếu ở nơi thiếu. Nhìn tổng thể, tiền không thiếu trong nền kinh tế, nhưng thiếu cục bộ và sự mất cân đối sẽ còn đậm nét.
Trước đây mỗi khi thừa tiền, ngân hàng nước ngoài thường cung cấp hạn mức cho ngân hàng trong nước và mua trái phiếu chính phủ. Hiện tại, họ gần như đã sử dụng hết hạn mức trong quan hệ với ngân hàng nội địa, còn kênh trái phiếu thì bị nghẽn kể từ đầu tháng 2-2015, thời điểm Thông tư 36 về tỷ lệ an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng có hiệu lực.
Theo thông tư 36, ngân hàng ngoại chỉ được đầu tư tối đa 15% vốn tự có vào trái phiếu chính phủ. Trước đây chẳng có giới hạn nào cả, họ muốn mua bao nhiêu trái phiếu tùy ý. Hầu hết ngân hàng nước ngoài nắm giữ trái phiếu với tỷ lệ cao hơn 15% vốn tự có trước khi Thông tư 36 có hiệu lực, nên nay họ chỉ giao dịch trái phiếu một chiều, tức là bán ra. Bộ Tài chính đang khó khăn, không tìm được người mua trái phiếu, giờ có thêm “đối thủ” cạnh tranh cùng bán trái phiếu là ngân hàng nước ngoài!
Hết thời vốn rẻ
Lạm phát đang ở mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua. Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 4-2015 tăng 0,14% so với tháng 3; tăng 0,99% so với cùng kỳ và 0,04% so với tháng 12-2014. Lạm phát thấp, nhưng lãi suất cho vay của Việt Nam tiếp tục đứng trong hàng ngũ cao nhất thế giới.
Cơ quan quản lý cho rằng mặt bằng lãi suất hiện đã thấp hơn nhiều so với những năm trước. Có lẽ nhà điều hành đã quên mặt bằng lãi suất của thế giới nói chung đang thấp nhất trong lịch sử và nhiều nước đang cố gắng giữ mức lãi suất thấp càng lâu càng tốt để hỗ trợ doanh nghiệp.
Cùng với sự thiếu tiền cục bộ, ngân hàng trong nước không còn điều kiện để giảm lãi suất đầu ra. Một số ngân hàng đã tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn một tháng thêm 0,3-0,4%/năm. Việc nâng lãi suất các kỳ hạn dài sẽ phụ thuộc vào thanh khoản. Lãi suất đang từ từ bước ra khỏi vùng đáy như sự trồi dậy cản trở sự phục hồi của doanh nghiệp và nền kinh tế.