Bộ trưởng Quốc phòng Peru, Walter Enrique Astudillo Chávez, vừa xác nhận kế hoạch mua 24 máy bay chiến đấu mới cho Không quân Peru (FAP) nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia và đối phó với các mối đe dọa an ninh. Lựa chọn sẽ xoay quanh ba loại máy bay chiến đấu hiện đại: Lockheed Martin F-16V Block 70, Saab JAS 39 Gripen và Dassault Rafale F4, đều do các nhà sản xuất uy tín quốc tế cung cấp.
F-16V Block 70, phiên bản tiên tiến của F-16 Fighting Falcon, được giới thiệu vào năm 2012, trang bị hệ thống điện tử hàng không hiện đại, radar APG-83 AESA và hệ thống nhiệm vụ cải tiến, giúp tăng khả năng sống sót và hoạt động đa nhiệm, bao gồm cả không chiến và tấn công mặt đất. Máy bay này hiện đang được Bahrain và Slovakia sử dụng, với khả năng bay tốc độ tối đa Mach 2,0.
Rafale F4 là phiên bản nâng cấp của Dassault Rafale, máy bay chiến đấu đa năng do Pháp phát triển và được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2001. Nguồn ảnh: Dassault |
JAS 39 Gripen, do Saab của Thụy Điển phát triển, nổi tiếng với khả năng linh hoạt, chi phí vận hành thấp và thiết kế mô-đun. Biến thể mới nhất, Gripen E/F, ra mắt vào năm 2017 với các nâng cấp về radar AESA và hệ thống tác chiến điện tử, cũng có khả năng hoạt động trong các nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không và tấn công mặt đất. Máy bay có tốc độ tối đa Mach 2,0 và được sử dụng tại Thụy Điển, Brazil và Nam Phi.
Dassault Rafale F4, biến thể nâng cấp của dòng Rafale do Pháp sản xuất, dự kiến sẽ được giao vào năm 2025. Phiên bản này cải thiện khả năng kết nối và tích hợp nhiều hệ thống vũ khí mới. Với tốc độ Mach 1,8, Rafale F4 có khả năng hỗ trợ mặt đất, thống trị trên không và trinh sát, hiện đang được vận hành bởi Pháp, Ai Cập, Ấn Độ và Qatar.
Tại cuộc họp báo với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng Peru đã nhấn mạnh tầm quan trọng lịch sử của quyết định mua 24 máy bay chiến đấu cho Không quân Peru (FAP).
F-16V Block 70 là phiên bản tiên tiến của F-16 Fighting Falcon, được giới thiệu vào năm 2012 và bắt đầu sản xuất vào năm 2017. Nguồn ảnh: Lockheed Martin |
Ông khẳng định đây là một bước tiến chiến lược nhằm tái trang bị và khôi phục khả năng phòng không, theo đúng định hướng của Tổng tư lệnh FAP Luis Chávez Cateriano. Thương vụ này đánh dấu một cam kết dài hạn của Peru trong việc đầu tư vào an ninh quốc gia.
Hiện tại, FAP vận hành một hạm đội đa dạng bao gồm máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-25, với nhiệm vụ chủ yếu là phòng không và tấn công mặt đất. Để tài trợ cho kế hoạch này, chính phủ đang đàm phán khoản vay trị giá 7,58 tỷ USD từ Ngân hàng Quốc gia, tương đương hơn 2 tỷ USD, nhằm chi trả cho giai đoạn đầu của dự án. Giai đoạn này sẽ bao gồm việc mua 12 máy bay chiến đấu - ném bom trong số 24 chiếc dự kiến.
Biến thể mới nhất, Gripen E/F (chuyến bay đầu tiên vào năm 2017), có radar tiên tiến (AESA), hệ thống tác chiến điện tử và tải trọng vũ khí tăng lên. Nguồn ảnh: Saab |
Một yếu tố quan trọng trong hợp đồng mua bán là chuyển giao công nghệ, nhằm tăng cường năng lực kỹ thuật và công nghiệp trong lĩnh vực hàng không. Điều này được xây dựng dựa trên thành công từ các dự án hợp tác giữa Korea Aerospace Industries và SEMAN Peru trong việc lắp ráp máy bay huấn luyện KT1-P "Torito".
Ngoài ra, Peru cũng có kế hoạch tăng cường năng lực vận tải chiến thuật và chiến lược của FAP với việc mua hai máy bay vận tải chiến thuật Leonardo Spartan C-27J và hai máy bay Boeing 737, một trong số đó có thể được dùng cho mục đích tổng thống. Thương vụ mua sắm này là một phần trong chiến lược hiện đại hóa quân đội, giúp Peru ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức an ninh khu vực và quốc tế.