Công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Ninh năm 2024 Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Ninh năm 2024 thành công tốt đẹp |
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Ninh năm 2024 diễn ra chiều 22/9, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, biên bản ghi nhớ với các dự án, đối tác.
Trong đó, đáng chú ý nhất là Tập đoàn Samsung cam kết mở rộng đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,8 tỷ USD trong năm nay, ngoài khoản đầu tư 6,5 tỷ USD đã đầu tư tại Khu công nghiệp Yên Phong.
Công ty Cổ phần Đầu tư Công đoàn Ngân hàng Công Thương nhận quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng khu đô thị sinh thái tại thị xã Thuận Thành có tổng vốn đầu tư 27 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,06 tỷ USD.
Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam cũng quyết định mở rộng, vốn đầu tư tăng thêm gần 1,1 tỷ USD cho dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn.
Nhiều dự án lớn trong lĩnh vực điện tử được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm dự án nhà máy của Nhà đầu tư Foxconn (Singapore) với tổng vốn đầu tư hơn 383 triệu USD; dự án nhà máy của Công ty TNHH khoa học kỹ thuật Goertek Vina với tổng đầu tư đăng ký 280 triệu USD; dự án bảng mạch in công nghệ chính xác cao của nhà đầu tư Victory Giant Technology (Singapore) tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD; dự án của Công ty TNHH công nghệ thông minh Goertek Vina với tổng vốn đầu tư 410 triệu USD.
Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam được trao biên bản ghi nhớ về nghiên cứu phát triển dự án thương mại Aeon Mall trong giai đoạn 2024-2025 tại tỉnh Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư dự kiến 190 triệu USD.
Chiều 22/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính xem mô hình quy hoạch tỉnh Bắc Ninh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Được biết, 9 tháng năm 2024, tỉnh Bắc Ninh đứng đầu cả nước về quy mô thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đạt 4,3 tỷ USD và sau Hội nghị sẽ cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho Sumsung với 1,8 tỷ USD, nâng tổng số vốn đầu tư đến tháng 10 đạt 6,1 tỷ USD; quy mô thu hút vốn đầu tư đến nay đạt trên 35 tỷ USD.
Phân tích về tiềm năng, lợi thế của Bắc Ninh, các đại biểu chỉ ra Bắc Ninh nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh và là cửa ngõ phía đông bắc của Thủ đô, tiếp giáp với các trung tâm kinh tế lớn của phía bắc, có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư trong nước.
Bắc Ninh có diện tích tự nhiên nhỏ nhất Việt Nam (822,7 km2) nhưng dân số hơn 1,5 triệu người (đứng thứ 22/63 tỉnh, thành), mật độ dân số cao thứ 3/63 tỉnh, thành phố.
Hệ thống kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, điện, nước, nhà ở… được triển khai xây dựng đồng bộ. Môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, tốc độ phát triển doanh nghiệp khá.
Tiềm năng phát triển du lịch lớn với nền văn hoá phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, chiều sâu giá trị văn hóa của nghìn năm lịch sử vun bồi với những di tích lịch sử, đình đền chùa và các công trình kiến trúc nghệ thuật cổ, kho tàng văn hoá dân gian.
Vùng Kinh Bắc có 17 trạng nguyên và 622 tiến sĩ; truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm với các danh nhân Lý Công Uẩn, Lý Nhân Tông, Nguyên Phi Ỷ Lan, Lê Văn Thịnh, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt...
Con người Bắc Ninh "trọng chữ tình"; yêu nước, thượng võ; cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, tinh xảo, hoạt bát trong giao thương buôn bán; thông minh hiếu học và giàu truyền thống khoa bảng; say mê các hoạt động và sáng tạo nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật tiêu biểu và đặc sắc…
Chiều 22/9, Thủ tướng chứng kiến lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, biên bản ghi nhớ với các dự án, đối tác - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trước đó, ngày 8/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1589/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu phát triển đến năm 2030, Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía bắc; một trong những cực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 8%-9%/năm; tỉ trọng GRDP của công nghiệp và xây dựng khoảng 72,7%; dịch vụ khoảng 21,7%; nông, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 1,6%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 4,0%. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 346,6 triệu đồng/người; kim ngạch xuất khẩu khoảng 50 tỷ USD; nhập khẩu khoảng 42 tỷ USD.
Đến năm 2050, Bắc Ninh là thành phố trực thuộc Trung ương, thuộc nhóm địa phương đứng đầu cả nước về quy mô kinh tế; một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thông minh hàng đầu châu Á và thế giới; là thành phố xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống với trình độ phát triển cao, mang đậm bản sắc văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc; người dân được thụ hưởng các dịch vụ xã hội và chất lượng cuộc sống ngang với các nước phát triển trong khu vực châu Á.
Về các định hướng, ưu tiên phát triển của tỉnh, hình thành 5 hành lang phát triển: Hành lang kết nối đô thị-thương mại-dịch vụ dọc quốc lộ 1A, nối Từ Sơn - Tiên Du - Bắc Ninh, kết hợp với trục phát triển đô thị Hà Nội - Bắc Ninh - Bắc Giang; Hành lang kết nối dịch vụ-công nghiệp-thương mại dọc quốc lộ 18, nối Yên Phong - Bắc Ninh - Quế Võ; Hành lang sinh thái dọc tuyến sông Đuống, sông Cầu; Hành lang phát triển đô thị, công nghiệp và nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao dọc quốc lộ 17, nối Quế Võ - Gia Bình - Lương Tài - Thuận Thành; Hành lang phát triển đô thị dịch vụ dọc quốc lộ 38 và vành đai 4 vùng Thủ đô; hành lang du lịch văn hóa tâm linh.
01 vùng động lực: Vùng kinh tế động lực gồm các đơn vị hành chính: thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn, huyện Tiên Du, huyện Yên Phong, thị xã Quế Võ, thị xã Thuận Thành, trong đó thành phố Bắc Ninh là đô thị trung tâm.