CôngThương - Khi động đất cấp 10 và sóng thần gây hỏng hệ thống làm mát lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Phu-cư-shi-ma Dai-i-chi (Phu-cư-shi-ma 1), tạo nguy cơ nhiên liệu hạt nhân nóng chảy, phát tán chất phóng xạ, đe dọa mạng sống của hàng chục nghìn người. Trong giây phút nước sôi lửa bỏng, một nhóm kỹ sư, binh sĩ, lính cứu hỏa, ban đầu gồm 50 người được điều động trở lại nhà máy, chia làm nhiều nhóm nhỏ, làm việc luân phiên, cật lực. Họ trong bộ đồ chống phóng xạ, đeo mặt nạ phòng độc, thở bình ô xy, cầm đèn pin lần từng bước trong bóng tối, khôi phục đường dẫn điện cho máy bơm nước hoạt động trở lại, ngăn cản các thanh nhiên liệu hạt nhân nóng chảy phát tán chất phóng xạ. Họ biết rõ rằng hoạt động trong môi trường phóng xạ cao, dù được trang bị bảo hộ họ vẫn có nguy cơ bị ung thư máu, ung thư tuyến giáp... Biết chắc cái chết rình rập, họ vẫn tự nguyện trở lại vì sự an toàn của nhà máy và của đồng bào mình.
Những ngày sau nhóm được tăng thêm nhiều người nữa; có đến hàng trăm người khác nhưng thế giới vẫn gọi họ với cái tên quen thuộc và đầy ngưỡng mộ là nhóm “Phu-cư-shi-ma 50". Đến nay danh tính toàn bộ nhóm “Phu-cư-shi-ma 50” vẫn chưa được công bố. Sau kỳ tích, họ như đã lại hòa cùng hàng triệu người Nhật Bản đang nỗ lực xây dựng lại đất nước của mình. Mọi người dường như chỉ biết về họ ít nhiều qua những trang nhật ký, những bức thư và qua người thân của họ. Một bức thư thổ lộ : "Toàn bộ làng quê Na-mi-ma-chi của tôi đã bị cuốn trôi khi sóng thần quét qua, cha mẹ tôi mất tích, bình thường tôi sẽ chạy vội đến nhà họ nhanh nhất có thể. Trước khi nghĩ đến bản thân như là một nạn nhân của thảm họa, tôi tình nguyện làm việc cật lực cạn hơi sức; chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ tất cả mọi người". Trong cuộc trả lời phỏng vấn dành cho tờ Telegraph, một thành viên Phu-cư-shi-ma 50 cho biết: "Chúng tôi cảm nhận gánh nặng khổng lồ trên vai, biết rằng thế giới đang dõi theo và cả dân tộc tiếp sức ở phía sau. Sinh mạng này không còn là của riêng chúng tôi nữa !".
Người dân Nhật Bản gọi những người trong nhóm “Phu-cư-shi-ma 50” là những Sa-mu-rai thời đại, những võ sĩ huyền thoại mới; luôn bình tĩnh trước mọi hiểm nguy và sẵn sàng chết một cách cao đẹp.
Những cô gái Nhật Bản thì được ví như những bông hoa. Người Nhật gọi đội tuyển bóng đá nữ nước mình là "những bông hoa đẹp - Na-de-shu-kô". Tuyển bóng đá nữ Nhật Bản chỉ là tập hợp nhiều cầu thủ nghiệp dư, phải làm nhiều nghề khác nhau để sinh sống và chơi bóng. Hậu vệ Sa-me-shi-ma vốn là nhân viên Công ty Điện lực Tô-ki-ô. Sau khi sảy ra sự cố hạt nhân tại Phu-cư-shi-ma, Sa-me-shi-ma đã bị thất nghiệp; tiền vệ A-ya Mi-ya-ma là nhân viên dịch vụ du lịch, chỉ được tập luyện sau giờ làm việc hàng ngày... Sau thảm họa động đất sóng thần đội bóng của họ gặp muôn vàn khó khăn, thiếu cả thời gian luyện tập, tiền bạc để hoạt động; ở vòng chung kết bóng đá nữ thế giới năm 2011 tại Đức, đội tuyển nữ Nhật Bản bị coi là "đội lót đường" trước các đội sừng sỏ Pháp, Mỹ, Thụy Điển, Đức.
Những khó khăn chồng chất đã không chôn vùi được khát vọng chiến thắng và ý chí vươn lên của các cô gái đá bóng Nhật Bản. Huấn luyện viên Nô-ri-ô Sa-sa-ki nói: "Các học trò của tôi đều hiểu rằng thành công tại giải sẽ sốc lại tinh thần cho nạn nhân thảm họa thiên nhiên ở quê nhà". Và rồi tuyển Nhật Bản đã có chiến thắng lịch sử trước đội chủ nhà Đức ở tứ kết, trong cuộc lội ngược dòng đẹp mắt trước đội Thụy Điển với tỷ số 3-1 ở bán kết, và đỉnh điểm là trận chung kết đã vượt qua đối thủ Mỹ từng hai lần vô địch thế giới.
Khi về nước, đội tuyển nữ Nhật Bản được đón như những người hùng. Đích thân Thủ tướng Nhật Nao-tô Kan đã tiếp các thành viên đội tuyển tại Phủ thủ tướng. Ông Nao-to Kan nói: "Chức vô địch World Cup là món quà ý nghĩa nhất cho quốc gia. Đội bóng đã tiếp thêm sự tự tin cho người dân Nhật trong công cuộc phục hồi đất nước sau thảm họa động đất và sóng thần. Là Thủ tướng và cũng là một người dân Nhật Bản, tôi bày tỏ sự biết ơn sâu sắc các nữ tuyển thủ".
Người Nhật Bản có câu ngạn ngữ: "Nếu là hoa xin là hoa anh đào, nếu là người hãy là một Sa-mu-rai". Anh đào là thứ hoa tâm thế của người Nhật Bản, nở chao chát, rực rỡ làm say đắm lòng người mỗi độ xuân về. Từ khi nở tới lúc lìa cành anh đào luôn tận hiến vẻ đẹp viên mãn. Trong gió xuân những cánh hoa anh đào tạo nên những trận mưa hoa ngoạn mục và bi tráng khi hoa đang độ tươi thắm nhất. Người Nhật Bản cũng coi hoa anh đào là biểu tượng khí phách của Sa-mu-rai.
Những thành viên Phu-cư-shi-ma 50 và đội tuyển bóng đá nữ đã làm sống lại tinh thần võ sĩ đạo Nhật Bản. Những hành xử của người Nhật Bản trong những ngày thử thách tháng 3/2011 khiến cả thế giới khâm phục, càng nhận ra vẻ đẹp cao cả, kiên cường nhưng cũng hết sức bình dị của một đất nước, một dân tộc trong thời khắc nguy nan.
Tạ Đức Minh
Tùy viên Thương mại tại Nhật Bản