TKV: Phát huy hiệu quả các dự án từ nguồn Quỹ Bảo vệ môi trường
Hệ thống xử lý nước thải công suất 1.200 m3tại công ty cổ phần than Núi Béo |
Theo ông Nguyễn Mạnh Điệp - Trưởng ban Môi trường TKV cho biết: “Để có nguồn vốn thực hiện dự án, công trình khai thác khoáng sản trước đây để lại và xử lý, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường mới phát sinh, từ năm 1998, TKV đã thành lập Quỹ Môi trường tập trung nguồn vốn được trích lập bằng 0,1%-1,5% chi phí sản xuất, đồng thời cho phép các đơn vị thành viên trực tiếp chi 0,3%-0,5% chi phí sản xuất cho các hoạt động bảo vệ môi trường thường xuyên. Ngoài ra, đối với sản xuất than TKV còn nộp cho ngân sách địa phương thuế môi trường 20.000 đồng/tấn và phí môi trường 10.000 đồng/tấn. Như vậy trung bình hàng năm TKV cho ngân sách địa phương thuế và phí môi trường trên 1.000 tỷ đồng, còn cho Quỹ Môi trường ngành than hàng trăm tỷ đồng. Nếu tính tổng chi phí cho công tác bảo vệ môi trường hàng năm của TKV ngoài phần phải đóng cho ngân sách địa phương thì con số này lên đến 1.000 tỷ đồng, trong đó 70% dành cho đầu tư các công trình bảo vệ môi trường, 30% dành cho các công việc bảo vệ môi trường thường xuyên”.
Kho chứa rác thải ắc quy chờ xử lý tại Nhà máy xử lý chất thải nguy hại do TKV đầu tư xây dựng |
Theo đó, TKV đã xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường trong nội bộ (Quy chế bảo vệ môi trường, Quy chế sử dụng Quỹ môi trường tập trung, cơ chế ưu tiên sử dụng dịch vụ của các đơn vị làm công tác bảo vệ môi trường, tạo điều kiện để chuyên môn hóa, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường chung trong toàn TKV.
Nhờ vậy, trong những năm qua, TKV đã cải tạo phục hồi môi trường được trên 800ha bãi thải, khai trường đã kết thúc khai thác. Hiện TKV đang tiếp tục cải tạo phục hồi môi trường các bãi thải khác để đến năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thành việc cải tạo phục hồi môi trường cảnh quan các khu vực bãi thải gần dân cư, đô thị. Đối với những khu vực có diện tích lớn, tập trung, sau khi cải tạo phục hồi môi trường, TKV dự kiễn sẽ chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác thân thiện với môi trường như: dịch vụ thể thao, du lịch sinh thái, cấp nước…
Kho lưu giữ bình ắc quy thải |
Còn vấn đề xử lý nước thải mỏ, tính đến hết năm 2015 dự kiến TKV sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng và vận hành 52 trạm xử lý nước thải mỏ với công suất thiết từ 50m3/h đến 2.400m3/h. Như vậy nước thải mỏ cơ bản được xử lý triệt để đạt tiêu chuẩn môi trường và được các doanh nghiệp tái sử dụng phục vụ tối đa cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt.
Đặc biệt đối với chất thải nguy hại, giữa năm 2014 TKV đã hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy xử lý chất thải nguy hại công nghiệp với 4 dây chuyền sản xuất gồm: Xử lý ắc quy; Lò đốt chất thải nguy hại với công suất 500kg/h ở nhiệt độ đốt từ 1.100-1.3000C; Dây chuyền xử lý và tái chế dầu với công suất 10.000 lít/ngày đêm; Dây chuyền xử lý thép và thùng phuy. Hiện Công ty TNHH MTV Môi trường TKV - đơn vị chịu trách nhiệm vận hành nhà máy xử lý chất thải nguy hại đã ký hợp đồng vận chuyển và xử lý cho 37/42 chủ nguồn thải là các doanh nghiệp thuộc TKV.
Lò đốt rác thải nguy hại công suất 500kg/h |
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Điệp, cùng với các giải pháp xây dựng các dự án xử lý môi trường giảm thiểu ô nhiễm trong quá trình khai thác, vận chuyển và kinh doanh than, trong những năm qua TKV đẩy mạnh áp dụng công nghệ khai thác cơ giới hóa trong khai thác các mỏ than hầm lò, nhờ đó không còn lò chợ chống gỗ, giảm suất tiêu hao gỗ chống lò, giảm tỷ lệ tổn thất tài nguyên. Đồng thời tập đoàn cũng đã đầu tư thiết bị lọc ép bùn công suất lớn nhà máy tuyển để tăng tỷ lệ thu hồi khoáng sản, tăng lượng nước sử dụng tuần hoàn, giảm xả thải ra môi trường cũng như tăng cường tận thu các loại than và khoáng sản chất lượng xấu, ngoài tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, TKV cũng đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện sử dụng than chất lượng thấp như: nhiệt điện Sơn Động, nhiệt điện Na Dương… để tận dụng và nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tiết kiệm và hợp lý nguồn tài nguyên.
Có thể khẳng định, với việc chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong những năm vừa qua, TKV đã bước đầu khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường do quá trình khai thác khoáng sản trước đây để lại và xử lý, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường mới phát sinh, vì vậy chất lượng môi trường, cảnh quan các khu vực có hoạt động khoáng sản của TKV và các khu vực dân cư, đô thị lân cận đã được cải thiện, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế mà tỉnh Quảng Ninh đã đặt ra là từ “nâu” sang “xanh”.