Tổ chức, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Công Thương
Chỉ đạo điều hành 21/05/2024 19:36
Tiếp tục giảm tối thiểu 13,5% đơn vị sự nghiệp công lập
Tiếp tục quán triệt các chủ trương, yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, Kết luận số 62-KL/TW, Nghị quyết 38/NQ-CP và Thông báo 114/TB-BCĐĐMSTCBM, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, Vụ, Tổng cục, Cục, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ, cán bộ, công chức, người lao động nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý, tạo sự thống nhất, đồng thuận, quyết tâm cao để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch, phương án tổ chức sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Công Thương.
Trụ sở Bộ Công Thương |
Phân công nhiệm vụ cụ thể từng đơn vị để tổ chức thực hiện tốt Kết luận số 62-KL/TW, Nghị quyết 38/NQ-CP và Thông báo 114/TB-BCĐĐMSTCBM, Thủ trưởng các đơn vị chủ động tổ chức có hiệu quả Kế hoạch, phương án tổ chức sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Công Thương năm 2024-2025.
Với mục tiêu thực hiện sắp xếp, thu gọn đầu mối tổ chức, tinh giản biên chế, đẩy mạnh tự chủ về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Công Thương và thực hiện xã hội hóa hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực công thương để đạt được các mục tiêu theo quy định định tại Kết luận số 62-KL/TW, Nghị quyết 38/NQ-CP, Thông báo 114/TB-BCĐĐMSTCBM.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, Bộ Công Thương tập trung sắp xếp các Trường Cao đẳng và các Viện Nghiên cứu khoa học, các đơn vị sự nghiệp kinh tế khác thuộc các Cục, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và đẩy mạnh giao cơ chế tự chủ về tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Công Thương, cụ thể:
Về số lượng đơn vị sự nghiệp công lập: phấn đấu giảm 13,5% so với năm 2021, hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trước ngày 31 tháng 12 năm 2024.
Về mức độ tự chủ: phấn đấu đạt 20% đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính và đạt trên 60% đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên;
Phấn đấu 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với gia đoạn 2016-2020.
Trong quá trình thực hiện Kế hoạch, phương án tổ chức sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Công Thương, bảo đảm không làm thay đổi về bản chất, hình thức sở hữu đối với các đơn vị sự nghiệp công lập được sắp xếp.
Hoàn thiện cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
Bộ Công Thương thực hiện Kế hoạch, phương án tổ chức sắp xếp sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Công Thương năm 2024-2025. Cụ thể:
Đối với 09 đơn vị sự nghiệp giáo dục đại học: Bộ Công Thương giữ nguyên 9 trường đại học trực thuộc Bộ, bao gồm: Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì (Phú Thọ), Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (Hà Nội), Trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung (Hà Nội), Trường Đại học Điện lực (Hà Nội), Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh (Quảng Ninh); Trường Đại học Sao Đỏ (Hải Dương); Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp (Nam Định); Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh; Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh.
Bộ Công Thương đã giao 5 Trường Đại học thực hiện tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư, bao gồm: Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Điện lực, Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp; đến năm 2025, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính đối với 4 Trường đại học, phấn đấu đạt mức tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc tự chủ một phần chi thường xuyên, bao gồm: Trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung, Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì, Trường Đại học Sao Đỏ, Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh.
Về Đào tạo, bồi dưỡng: Bộ Công Thương giữ nguyên Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương, Trường có chức năng, nhiệm vụ chính về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương, đồng thời đẩy mạnh cơ chế tự chủ về tài chính theo lộ trình, mức độ tự chủ theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Đến năm 2025, phấn đấu đạt mức tự chủ chi thường xuyên hoặc đạt mức tự chủ một phần chi thường xuyên.
Đối với 22 đơn vị sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp: Căn cứ Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Công Thương tổ chức sắp xếp lại các Trường Cao đẳng trực thuộc Bộ trên địa bàn các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ và Hà Nội trong năm 2024 -2025, giảm 4 Trường Cao đẳng, đồng thời bảo đảm phù hợp với quy hoạch và quy định của pháp luật.
Đối với 11 đơn vị sự nghiệp khoa học – công nghệ (giảm 2 Viện Nghiên cứu): Bộ Công Thương duy trì một số tổ chức KH&CN công lập (dự kiến 04 tổ chức) theo các nhóm, ngành lĩnh vực lớn, cụ thể: Tổ chức KH&CN khối chiến lược chính sách; Tổ chức KH&CN lĩnh vực năng lượng; Tổ chức KH&CN khối cơ khí - điện tử - tự động hóa - luyện kim; Tổ chức KH&CN khối công nghiệp tiêu dùng.
Đối với 01 đơn vị sự nghiệp y tế: Duy trì Trung tâm Y tế - Môi trường lao động công thương đồng thời, Bộ Công Thương thực hiện giao cơ chế tự chủ về tài chính cho Trung tâm đến năm 2025 phấn đấu đạt mức tự chủ chi thường xuyên.
Đối với 04 đơn vị sự nghiệp thông tin, truyền thông, xuất bản (các Báo, Tạp chí, Nhà xuất bản): Trong năm 2024 -2025, Bộ Công Thương tổ chức sắp xếp các đơn vị này như sau: Giữ nguyên 3 đơn vị sự nghiệp công lập: Vuasanca ; Tạp chí Công Thương, Trung tâm Thông tin Thương mại và Công nghiệp, đồng thời thực hiện giao cơ chế tự chủ cho 3 đơn vị này. Đối với Nhà xuất bản Công Thương, thực hiện chuyển đổi sang Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu (khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật) ...
Tiếp tục duy trì các Trung tâm trực thuộc các Cục: Cục Điều tiết Điện lực (01 Trung tâm); Cục Công nghiệp (02 Trung tâm); Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (01 Trung tâm); Cục Phòng vệ thương mại (01 Trung tâm); Cục Công Thương địa phương (01 Trung tâm); Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (04 Trung tâm); Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (02 Trung tâm); Cục Hóa chất (01 Trung tâm); Ủy Ban cạnh tranh quốc gia (01 Trung tâm).
Giao các Cục, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia: Trong năm 2024, thực hiện rà soát, báo báo Bộ phương án sắp xếp lại các đơn vị công lập trực thuộc hoạt động không hiệu quả, không đáp ứng được các tiêu chí thành lập và khả năng đáp ứng cơ chế tự chủ tài chính theo quy định của pháp luật, để Bộ xem xét, quyết định. Đồng thời, Bộ tiếp tục giao cơ chế tự chủ về tài chính cho các Trung tâm thuộc Cục và Ủy ban cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương, phấn đấu đạt mức tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư hoặc đạt mức tự chủ chi thường xuyên theo quy định của pháp luật.
Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện có hiệu quả Kế hoạch, phương án tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Công Thương năm 2024-2025. Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch, phương án, nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc, đề nghị báo cáo về Bộ Công Thương xem xét, giải quyết.