“Tôi trở thành Tổng giám đốc một công ty lớn như thế nào?”
- Từ một người lính, ông đã phấn đấu, rèn luyện trở thành TGĐ Vissan như thế nào?
- Tôi nhập ngũ năm 1976. Môi trường quân ngũ đã luyện tôi cứng cáp và có nhiều nhiệt huyết. Năm 1980, tôi xuất ngũ và về làm việc tại Vissan. Trải qua nhiều vị trí, ở nhiều phòng ban khác nhau…, tôi đã học hỏi được rất nhiều từ công việc và đồng nghiệp. Cùng với ý chí vươn lên và bản lĩnh của một người lính, tôi vừa học, vừa làm và tốt nghiệp Đại học kinh tế, rồi thạc sĩ quản trị kinh doanh. Với số vốn ngoại ngữ có được, tôi tranh thủ tham dự các khóa học nâng cao, các khóa học bổng ở Mỹ, Nhật, Thụy Điển… Sau khi trải qua nhiều cương vị ở Vissan, từ Phó phòng hành chính, Phó phòng kinh doanh… rồi Phó TGĐ vào năm 2004, tôi đã trở thành TGĐ công ty vào năm 2010.
- Quá trình công tác và trưởng thành của ông tại Vissan cũng là thời gian Vissan trải qua nhiều thăng trầm. Sau mỗi thăng trầm đó, Vissan được củng cố và phát triển mạnh hơn. Ông đã rút ra được kinh nghiệm gì về quản lý kinh doanh một công ty lớn?
- Thời kỳ 1992 - 1995, Vissan tập trung vào xuất khẩu. Khi thị trường Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Vissan tưởng không vượt qua nổi vì đã bỏ trống thị trường nội địa một thời gian dài nên khi quay lại chúng tôi ngơ ngác, lóng ngóng, phải mất mấy năm mới phục hồi trở lại. Kinh nghiệm đầu tiên chúng tôi rút ra được là phải đa dạng hóa thị trường.
Thứ hai là đội ngũ nhân viên trải qua nhiều năm trong cơ chế bao cấp nên rất trì trệ, muốn phát triển phải tái cấu trúc bộ máy. Chúng tôi dựa vào Đoàn Thanh niên và đội ngũ lao động trẻ để lựa chọn bồi dưỡng và phát triển, nhờ đó nguồn nhân lực của Vissan dần thay đổi, thêm được lượng và đổi được chất. Yếu tố thứ 3 khá quan trọng là phải luôn đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Để làm được điều này cần phải tập trung đầu tư, đổi mới công nghệ và sản phẩm, nghiên cứu… Trên cơ sở đó, hàng loạt sản phẩm mới đã ra đời thỏa mãn nhu cầu người tiêu dùng.
- TP.HCM đang đẩy mạnh chương trình bình ổn giá. Trong bối cảnh giá đầu vào tăng nhanh như hiện nay, là người đứng đầu doanh nghiệp thực phẩm chế biến lớn, ông có giải pháp gì để Vissan vừa thực hiện tốt chương trình vừa đảm bảo kinh doanh hiệu quả?
|
- Việc đó quả không dễ dàng chút nào trong bối cảnh hiện nay. Nhưng với Vissan, cách tốt nhất để thực hiện chương trình là tạo nguồn và dự trữ, dự báo tốt thông tin và mở rộng mạng lưới tiêu thụ. Khi chủ động được nguồn hàng, không bị mất cân đối cục bộ thì sẽ bình ổn được giá. Vissan đã đầu tư cho các vùng chăn nuôi, liên kết với các trang trại để có nguyên liệu, sau đó đưa vào chế biến để có giá thành hợp lý, qua đó chia sẻ với người tiêu dùng.
Điều này chúng tôi đã làm khá tốt trong 5 năm qua, đặc biệt là năm 2010, nên vừa đảm bảo được nhiệm vụ thành phố giao, vừa đạt được hiệu quả kinh doanh cao. Năm 2010, Vissan có tổng doanh thu 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận 107 tỷ đồng và nộp ngân sách 151 tỷ đồng. Quí I/2011, Vissan đạt doanh thu 1.052 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ và kế hoạch doanh thu cả năm là 3.600 tỷ đồng. Đối với kế hoạch bình ổn giá năm 2011, chúng tôi đã chuẩn bị 26.000 tấn thực phẩm tươi sống, tương đương 6.450 tấn thực phẩm chế biến các loại (khoảng 97 tỷ đồng).
- Với một “núi’ công việc cần giải quyết mỗi ngày, ông cân đối thời gian cho “tổ ấm” của mình ra sao?
- Tôi may mắn có một gia đình hạnh phúc, êm ấm, các con chăm ngoan, học giỏi, trưởng thành. Đó là niềm động viên rất lớn. “Một nửa” của tôi là họa sỹ vẽ tranh sơn dầu, cô ấy yêu nghệ thuật nhưng vẫn chăm lo gia đình chu đáo, luôn thấu hiểu và chia sẻ mọi công việc gia đình để tôi toàn tâm, toàn ý với công việc.
Điều hành công ty và gặp gỡ các đối tác, khách hàng chiếm gần hết quỹ thời gian của tôi. Hầu hết các ngày trong tuần tôi ít khi được ăn cơm nhà. Đó là một thiệt thòi lớn, vì vậy tôi cố gắng thu xếp ngày thứ bảy dành cho gia đình một cách trọn vẹn.
- Xin cảm ơn ông!
Chí Tiền thực hiện