65 triệu cổ phiếu Viglacera niêm yết trên HNX Chân dung ứng viên nữ được Bộ Xây dựng đề cử vào Hội đồng quản trị Viglacera |
Sau hơn nửa năm kể từ ngày dọn về căn nhà mới xây, anh Tân (Đống Đa, Hà Nội) phát hiện bộ nhấn xả nước ở bồn cầu trong phòng vệ sinh tầng 2 liên tục bị kẹt và sau đó hỏng hoàn toàn. Khi liên hệ đơn vị bán hàng để phản ánh, anh bị từ chối yêu cầu bảo hành do đã quá thời hạn 6 tháng kể từ ngày mua hàng. Chấp nhận trả phí sửa chữa nhưng vì không có sẵn phụ kiện thay thế nên anh Tân chỉ có thể chờ đợi cửa hàng nhập từ nhà máy sản xuất ở Trung Quốc, thời gian nhận hàng không được hẹn cụ thể do còn tùy thuộc vào vận chuyển. Vì không thể kiên nhẫn chờ đến khi sửa xong, anh đành gọi bên nhà thầu thi công đến thay lắp bồn cầu mới.
“Trước đây, tôi chọn mua trọn bộ thiết bị với giá gần 5 triệu đồng ở cửa hàng bán lẻ gần nhà để tiện bảo hành, song cuối cùng lại phải chi thêm hơn chục triệu đồng chi phí thuê thợ phá dỡ và mua thiết bị mới”, anh Tân nói.
Vì muốn tiết kiệm chi phí, đồng thời tin tưởng vào quảng cáo “công nghệ sản xuất tiêu chuẩn Tây Ban Nha” khi chọn mua thiết bị vệ sinh không rõ nguồn gốc, giá rẻ, Hoài (quận 10, TP HCM) cũng sớm hối hận vì thấy chất lượng men sứ xấu, nhiều vết rạn. Mới dùng được vài tháng nhưng bề mặt thiết bị đã xuất hiện khá nhiều vết hoen bẩn, vừa khó cọ rửa, vừa mất thẩm mỹ.
“Sau nhiều lần tìm nhiều cách tẩy vết bẩn mà không sạch, lớp men ngày một xuống cấp, nút nhấn đầy vết xước, tôi đành phải thay toàn bộ thiết bị. Tính ra, tổng chi phí bỏ ra gấp 2 lần ban đầu”, Hoài chia sẻ.
Sau một thời gian sử dụng, bề mặt nắp bồn cầu nhà chị Hoài xuất hiện nhiều vết hoen bẩn, khó vệ sinh. Ảnh: Khánh Đăng |
Theo KTS Huỳnh Xuân Hải (Công ty cổ phần Thiết kế - Xây dựng và Đào tạo Kiến Thiết Việt), sản phẩm thiết bị vệ sinh không rõ nguồn gốc hiện nay khá nhiều. Tại các cửa hàng bán lẻ vật liệu xây dựng, những mặt hàng này hấp dẫn người dùng bởi có mức giá rẻ, mẫu mã bắt mắt, chiết khấu cao. Nhưng thực tế, có không ít người gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.
“Nếu chỉ nhìn bằng mắt thường, các sản phẩm này rất khó nhận biết chất lượng. Nhiều khi chỉ người trong nghề, từng có kinh nghiệm mới phân biệt được chất lượng, độ bền”, ông Hải nhấn mạnh.
Theo khảo sát từ VnExpress, các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ được bày bán phổ biến tại nhiều cửa hàng kinh doanh thiết bị vệ sinh ở nhiều quận nội thành Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác. Tên thương hiệu và mẫu mã rất đa dạng, được nhân viên bán hàng quảng cáo “sản xuất theo tiêu chuẩn Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha…” nhưng trên bao bì ghi rõ xuất xứ từ Trung Quốc.
Tùng, chủ một cửa hàng kinh doanh thiết bị vệ sinh tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, việc bán thêm các sản phẩm này xuất phát từ nhu cầu thực tế của khách hàng muốn có thêm nhiều lựa chọn về mẫu mã, đặc biệt là giá thành thấp. Bên cạnh đó, khi phân phối sản phẩm của một thương hiệu có tên tuổi trên thị trường, theo quy định của chính sách bán hàng, người mua chỉ được chiết khấu tối đa 20-30% theo giá bán đề xuất. Nhưng với sản phẩm mua từ đầu buôn hàng nhập ngoại, mức chiết khấu có thể lên tới 40-50%. Chưa kể, một số sản phẩm hàng ngoại nhập sẽ tích hợp thêm các tính năng như có thể tháo rời chi tiết để tiện vệ sinh, cảm ứng nhiệt độ … được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Tuy nhiên, anh này cũng thừa nhận, thiết bị gốm sứ kém chất lượng dễ bay màu, hay xảy ra tình trạng rò rỉ nước, bám cặn, thậm chí nứt vỡ. Những phụ kiện, chốt bằng kim loại dễ trầy xước, độ bền kém. Chưa kể, các thiết bị vệ sinh hàng trôi nổi thường gặp khó trong khâu bảo hành. Ví dụ, nếu mua hàng gốm sứ có thương hiệu uy tín, khách hàng được cam kết một đổi một trong 10 ngày, bảo hành lên tới 10 năm, có tổng đài chăm sóc khách hàng riêng sẵn sàng hỗ trợ khi gặp sự cố. Với hàng không rõ xuất xứ, đa phần là không có phụ kiện thay thế lúc hư hỏng. Các cửa hàng cũng không nhận bảo hành với sản phẩm này.
Thiết bị vệ sinh nhiều phân khúc giá từ đắt đến rẻ được bày bán tại một cửa hàng bán lẻ ở Thanh Trì (Hà Nội). Ảnh: Khánh Đăng |
Sự khác biệt lớn nhất của thiết bị vệ sinh không rõ nguồn gốc và có xuất xứ rõ ràng nằm ở khâu kiểm định chất lượng. Đại diện nhãn hàng Viglacera cho biết, các sản phẩm thiết bị vệ sinh Việt Nam luôn phải trải qua quy trình kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, TCVN, hàng loạt bài kiểm tra về độ bền màu, khả năng xả, đồng bộ linh phụ kiện trước khi bán ra thị trường. Với hàng xuất khẩu châu Âu, Mỹ, Đông Nam Á, đoàn kiểm tra các nước còn đến tận nhà máy để trực tiếp thẩm định những tiêu chuẩn về ISO, môi trường. Trong khi đó, hàng không rõ nguồn gốc hay hàng trôi nổi rất khó để kiểm định chất lượng trước khi đến tay người dùng.
Vị này cũng cho biết, sản phẩm thiết bị vệ sinh kém chất lượng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và sức khỏe người sử dụng, do vật liệu sản xuất chứa nhiều kim loại nặng, lớp men nhanh ố vàng và khó vệ sinh kể cả khi dùng chất tẩy rửa chuyên dụng. Các vị trí ren nối ở sen vòi, vòi chậu dễ bám cặn bẩn gây vẩn đục nguồn nước sinh hoạt, hoặc rò rỉ làm lãng phí nước.
Để tránh gặp phải những phiền phức trên, KTS Huỳnh Xuân Hải khuyên các chủ nhà nên tìm đến hệ thống phân phối chính thức, showroom của các thương hiệu uy tín, thay vì mua từ cửa hàng bán lẻ. Ngoài ra, cần lưu ý chọn sản phẩm đồng bộ, của cùng một nhãn hiệu để đảm bảo tính thẩm mỹ, đồng thời, cân đối mức chi phí tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình.
Thiết bị vệ sinh sứ chính hãng được bày bán cùng thiết bị vệ sinh không rõ xuất xứ tại các cửa hàng bán lẻ. Ảnh: Khánh Đăng |
“Thiết bị không cần quá đắt đỏ hay nhất định phải dùng hàng nhập khẩu mới là tốt, vì các thương hiệu thiết bị vệ sinh trong nước hiện nay cũng có chất lượng cao, mẫu mã đa dạng. Tuy nhiên, người mua cần ưu tiên công năng phù hợp với nhu cầu sử dụng. Ví dụ như khi chọn bồn cầu, nên chọn dòng liền khối, kiểm tra kỹ vòi nước, nút gạt và chất men để đảm bảo độ bền”, KTS Huỳnh Xuân Hải khuyến cáo.
Ông Hải cho biết thêm, người tiêu dùng khi mua thiết bị vệ sinh cần chú ý đến tính minh bạch của sản phẩm, xác thực rõ ràng nguồn gốc thông qua tem kiểm định, mã định danh QR code và thông tin in trên bao bì sản phẩm. Nên cẩn trọng với các mặt hàng có bao bì thô sơ, không hình ảnh minh họa hoặc có nhưng thiếu tính hoàn thiện.
Dịch vụ sau bán hàng cũng là một yếu tố quan trọng cần lưu ý, anh Tùng bổ sung. Theo tư vấn của anh, khách hàng cần tìm hiểu và làm rõ về thời gian, phương thức và địa chỉ bảo hành. Thông thường, mỗi sản phẩm bán ra sẽ được đi kèm phiếu bảo hành bao gồm thông tin cụ thể gồm: Logo thương hiệu, dấu đỏ doanh nghiệp, thông tin bảo hành, tên sản phẩm, thời gian và địa chỉ bán hàng. Trường hợp mua hàng nhưng không có sẵn phụ kiện thay thế, thời gian bảo hành ngắn hoặc không có dịch vụ chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp, người tiêu dùng không nên mua để tránh rủi ro gặp phải sau này.