Tổng cục Hải quan: Qui trách nhiệm nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại... phức tạp
Tăng cường kiểm soát dịp Tết
Lý do Tổng cục Hải quan đưa ra chỉ đạo quyết liệt nêu trên, bởi thời gian vừa qua, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế thông qua xuất nhập khẩu hàng hóa có những diễn biến phức tạp, do các đối tượng lợi dụng việc không phải khai thông tin trước để tập kết hàng hóa tại cửa khẩu biên giới đường bộ rồi chờ vận chuyên trái phép vào nội địa; nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; nhập khẩu hàng không đúng với khai hải quan về chủng loại, số lượng, trị giá, hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu; tự ý tiêu thụ hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan (hàng quá cảnh, kinh doanh tạm nhập tái xuất)…
Tổng cục Hải quan yêu cầu hải quan các tỉnh, thành phố… trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, kịp thời thu thập, phân tích thông tin phương tiện vận tải, hàng hóa nhập khẩu trước khi về đến cửa khẩu biên giới để một mặt có thể giải quyết nhanh thông quan hàng hóa, một mặt kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành pháp luật hải quan, pháp luật thuế khi nhập khẩu hàng hóa.
Trước khi hàng hóa nhập khẩu về đến cửa khẩu biên giới đường bộ, đường thủy nội địa, yêu cầu chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vận tải… thông báo cho hải quan thông tin về phương tiện vận tải, hàng hóa nhập khẩu trước khi đưa vào lãnh thổ Việt Nam. Tại các khu vực cửa khẩu mà kho, bãi có sử dụng cân điện tử, người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa phải cho phương tiện qua cân để xác nhận trọng lượng, nếu trọng lượng hàng hóa chuyên chở chênh lệch bất thường với trọng lượng đã khai báo, sẽ bị yêu cầu đưa vào khu vực riêng để giám sát chặt chẽ và chờ làm tiếp thủ tục.
Tang vật ma túy và đối tượng vận chuyển bị hải quan và lực lượng chức năng khác bắt giữ |
Trong quá trình khi kiểm tra, giám sát hàng bách hóa, hàng tiêu dùng nhập khẩu, hải quan sẽ hướng dẫn người khai thực hiện khai đầy đủ, chính xác các chỉ tiêu thông tin trên tờ khai hải quan theo các qui định hiện hành, đồng thời gửi đầy đủ các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Nếu phát hiện hàng hóa nhập khẩu thuộc diện cấm nhập, tạm ngừng nhập khẩu, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu xuất xứ, hàng hóa thuộc diện phải có giấy phép nhập khẩu nhưng không có giấy phép, cơ quan hải quan cửa khẩu phải xử lý nghiêm theo quy định, đồng thời chuyển thông tin cho lực lượng chống buôn lậu điều tra, xác minh...
Khi giám sát hàng hóa quá cảnh, hàng kinh doanh tạm nhập - tái xuất, nếu có dấu hiệu cất giấu hàng cấm, hàng quá cảnh phải có giấy phép nhưng không xuất trình giấy phép, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không khai báo..., hải quan cưa khẩu kiểm tra thực tế 100% tại cửa khẩu nhập, đồng thời gắn Seal định vị điện tử từ cửa khẩu nhập đến cửa khẩu xuất và thông báo cho chi cục hải quan cửa khẩu xuất thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa 100% đối với lô hàng trước khi xác nhận thực xuất.
Hải quan các tỉnh, thành phố cũng sẽ phải rà soát các lô hàng thực phẩm kinh doanh tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan còn hạn sử dụng dưới 02 tháng, thực hiện các biện pháp kiểm soát, giám sát chặt chẽ trong quá trình lưu giữ, vận chuyển đến cửa khẩu xuất đến khi đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, không để thẩm lậu vào nội địa.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - Nguyễn Văn Cẩn, cho biết, để tiếp tục nâng cao vai trò trên mặt trận chống buôn lậu của lực lượng hải quan trong năm 2021, lãnh đạo Tổng cục đã yêu cầu lực lượng kiểm soát hải quan phải chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, Quyết định… của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Tài chính trong công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 của Bộ Tài chính. Đấu tranh, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên tất cả các tuyến. Kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đường bộ, tập trung vào các mặt hàng xuất nhập khẩu có điều kiện, hàng bách hóa, các mặt hàng nhạy cảm phòng chống dịch Covid-19, hàng cấm.
Đồng thời, tăng cường các biện pháp chống buôn lậu ma túy trong tất cả các khâu, các tuyến, các địa bàn. Thông tin liên quan đến mua bán, vận chuyển trái phép ma túy trong quá trình điều tra, phải được xử lý kịp thời, bí mật, chặt chẽ. Phối hợp hiệu quả, chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong địa bàn hải quan theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và quy chế phối hợp. Nâng cao hiệu quả công tác thu thập, trao đổi, xử lý thông tin với các tổ chức, cá nhân nước ngoài, đặc biệt thông tin về các vụ việc, vi phạm của các đối tượng, lô hàng cụ thể, thông tin về buôn lậu ma túy, hàng cấm, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, thông tin về phương thức, thủ đoạn mới để phục vụ cho công tác đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả hơn.
Tổng cục Hải quan, khẳng định, nếu đơn vị nào để xảy ra tình hình buôn lậu, gian lận, trốn thuế, vận chuyển trái phép qua biên giới trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý nếu bị các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, thì thủ trưởng đơn vị hải quan phụ trách địa bàn đó, các cán bộ công chức thừa hành nhiệm vụ, tùy theo mức độ sẽ bị xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm.