Tổng cục Quản lý thị trường tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023
Tin hoạt động 05/01/2023 15:59
Từ ngày 1/1/2023, lực lượng Quản lý thị trường chính thức sử dụng cấp hiệu mới Điểm mới trong Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 liên quan hoạt động Quản lý thị trường |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Cùng tham dự có Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An; Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Lê Thanh Hải; lãnh đạo các đơn vị: Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Cục An ninh kinh tế (Bộ Công An); đại diện các Cục, Vụ trực thuộc Bộ Công Thương cùng đại diện lãnh đạo 63 Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của lực lượng Quản lý thị trường |
Năm 2022, xử lý 43.989 vụ vi phạm
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, 2022 là năm đặc biệt đối với toàn lực lượng. Đây là năm kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống lực lượng (3/7/1957-3/7/2022), do vậy toàn lực lượng đã tổ chức nhiều chuỗi sự kiện hưởng ứng và để lại nhiều dấu ấn như: lần đầu tiên tổ chức Cuộc thi viết, lần đầu tiên tổ chức giải bóng đá nam toàn lực lượng, phát động trồng 65.000 cây xanh...
Theo báo cáo, năm 2022, lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành thanh, kiểm tra 70.902 vụ, phát hiện, xử lý 43.989 vụ vi phạm (tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021); chuyển cơ quan điều tra 127 vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Thu nộp ngân sách nhà nước trên 490 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021). Trị giá hàng tịch thu gần 96 tỷ đồng, trị giá hàng hóa áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy hơn 19 tỷ đồng.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh báo cáo tại Hội nghị |
Cũng theo báo cáo, trong năm 2022, cung đường vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ thay đổi, chuyển hướng và lắt léo hơn. Bởi, hiện nay, do phía Trung Quốc đã xây dựng tường rào và kiểm soát chặt khu vực biên giới nên tình trạng hàng lậu vận chuyển qua đường mòn, lối mở, khu vực đồi núi giáp biên ở các tỉnh phía Bắc hầu như không có. Thay vào đó, hàng lậu, hàng giả chuyển hướng đi theo các cửa khẩu tại miền Trung, Tây Nam Bộ, thậm chí còn vận chuyển ngược ra phía Bắc. Trong khi đó, tại thị trường nội địa, qua công tác kiểm tra tại một số địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Bình Dương, Thanh Hóa, Quảng Trị, Phú Yên... tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện.
“Hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn được bày bán tại các tuyến phố, chợ truyền thống và tại các trung tâm thương mại lớn” - ông Trần Hữu Linh thông tin và nhận định, hành vi kinh doanh này đã làm ảnh hưởng lớn đến các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính và quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.
Năm 2022 lực lượng Quản lý thị trường có 2 dấu ấn đậm nét nhất. Một là, chất lượng các cuộc thanh kiểm tra ngày càng tốt, đặc biệt là các vụ việc kiểm tra, xử phạt mang tính đột xuất. Cả năm 2022, toàn lực lượng đã tiến hành thanh kiểm tra đột xuất 34.094 vụ, xử lý 33.368 vụ (chiếm 98%). Cùng với đó, công tác kiểm tra định kỳ được duy trì thường xuyên, thanh tra chuyên ngành cũng được chú trọng, quan tâm.
Hai là, trong năm 2022, mặt hàng, lĩnh vực mà lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, thanh tra rất đa dạng, phong phú, ở hầu hết các mặt hàng.“Bên cạnh mặt hàng xăng dầu, năm 2022, toàn lực lượng đã tập trung kiểm tra những mặt hàng trọng tâm có nhu cầu tiêu dùng cao như quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc..." - ông Trần Hữu Linh thông tin và cho biết, nửa cuối năm 2022, tình hình dịch Covid-19 tương đối ổn định, nền kinh tế vào giai đoạn phục hồi, bứt phá, thời điểm này, hàng hóa cũng được tung ra thị trường nhiều hơn, dẫn tới các hành vi vi phạm cũng gia tăng.Trong bối cảnh ấy, Quản lý thị trường trở thành lực lượng tai mắt của ngành Công Thương trong cuộc chiến phòng, chống hàng giả, gian lận thương mại và buôn lậu.
Dù có nhiều dấu ấn ở 2022, song ông Linh thẳng thắn nhìn nhận, trong năm, công tác phối hợp giữa các Cục Quản lý thị trường chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp, nhất là việc chia sẻ thông tin, giám sát hàng hóa giữa các địa bàn; Một số địa bàn chưa kiểm soát chặt chẽ thị trường, hiệu quả trong công tác phát hiện, xử lý vi phạm hành chính ở nhiều nơi, đặc biệt là ở một số địa bàn trọng điểm chưa cao, chưa phản ánh hết tình hình thị trường. Đáng buồn hơn, trong quá trình thực thi công vụ, vẫn còn tình trạng công chức vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thiếu tinh thần trách nhiệm... “Những hạn chế yếu kém này đã ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của lực lượng” - Tổng Cục trưởng nhìn nhận.
Chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, nguyên nhân chủ quan là do trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu các đơn vị; đạo đức công vụ, trình độ nghiệp vụ của bộ phận công chức còn hạn chế chưa theo dõi, sát sao được địa bàn quản lý. “Quản lý thị trường gần như là cảnh sát khu vực, quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khi đó lực lượng mỏng, địa bàn rộng, dẫn đến chưa kiểm soát hết địa bàn được phân công” - Tổng Cục trưởng thông tin. Về nguyên nhân khách quan, ông Trần Hữu Linh cho rằng, đó là do hạ tầng quản lý chính sách pháp luật còn chồng chéo, gây khó khăn trở, ngại cho quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm...
Với những kinh nghiệm từ năm 2022, bước sang năm mới 2023, dự báo thị trường hàng hóa sẽ còn diễn biến phức tạp, vì vậy lực lượng Quản lý thị trường sẽ tiếp tục thay đổi cách thức, phương thức làm việc; thực sự là đơn vị nắm đúng thực tiễn thị trường, tham mưu cho Bộ Công Thương, Chính phủ, hướng đến là lực lượng phản ứng nhanh, hoạt động hiệu quả 24/7.
Cùng với đó, trong năm 2023, toàn lực lượng sẽ siết chặt kỷ luật kỷ cương, tiếp tục đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Đối với công tác cán bộ, Tổng Cục trưởng cho biết, sẽ tiếp tục giới thiệu bổ nhiệm luân chuyển cán bộ không phải người của địa phương, nhất là những địa bàn nóng, phức tạp.
Năm 2023, sau 5 năm lực lượng Quản lý thị trường hoạt động theo mô hình ngành dọc, Tổng cục sẽ tham mưu, trình Chính phủ ban hành Quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục thay thế Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2018.
Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của lực lượng Quản lý thị trường |
Dấu ấn Quản lý thị trường năm 2022
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, năm 2022, bên cạnh hoạt động chuyên môn, lực lượng Quản lý thị trường cũng ghi dấu ấn trong các nhiệm vụ mang yếu tố chính trị. Cụ thể, trong năm, Tổng cục đã hoàn thành kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ 3 Đề án trọng điểm: (01) Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025; (02) Đề án nâng cao năng lực của cơ quan Quản lý thị trường trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính; (03) Đề án ứng dụng công nghệ số và kỹ thuật tiên tiến nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm công nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên phát triển.
Cùng với đó, Tổng cục cũng thực hiện chủ trương chuyển đổi số toàn diện. Sau 2 năm nghiên cứu, triển khai áp dụng thử, lần đầu tiên Tổng cục Quản lý thị trường chính thức đưa Hệ thống INS vào việc kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trên môi trường mạng từ ngày 01/2/2022; số hóa danh mục hồ sơ, tài liệu của các đơn vị tại khối cơ quan Tổng cục; xây dựng phần mềm lưu trữ điện tử cho toàn lực lượng Quản lý thị trường.
Cũng trong năm 2022, Tổng cục Quản lý thị trườngtriển khai thí điểm giới thiệu, bổ nhiệm người đứng đầu Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh không phải là người ở địa phương, điển hình Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Hải Dương, Khánh Hòa, Hà Nam, Bình Thuận... Đặc biệt, năm 2022, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đã nêu cao vai trò của người đứng đầu đơn vị. Thực hiện nghiêm túc các nội dung đã ký với Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường về “HAI ĐI ĐẦU, BA CAM KẾT” trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị.
Đáng chú ý, trong năm 2022, Tổng cục Quản lý thị trường đã tổ chức thi sát hạch đánh giá chuyên môn, nghiệp vụ cho 3.645 công chức cấp Phòng, Đội Quản lý thị trường. Trong đó, số công chức đạt loại Giỏi là 1.644 công chức (chiếm 45,1%); Khá là 1.837 công chức (chiếm 50,4%); Trung bình là 150 công chức (chiếm 4,1%); Số công chức Không đạt là 14 (chiếm 0,4%).
Xác định đấu tranh chống buôn lậu. hàng giả, gian lận thương mại là “cuộc chiến” trường kỳ, cần sự phối hợp từ nhiều phía, do đó, năm 2022, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã phối hợp với lực lượng Công an tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Bình Dương... triệt phá nhiều kho hàng lớn với nhiều sản phẩm hàng hóa các loại có khối lượng và giá trị vi phạm rất lớn.
Đáng chú ý, với vai trò là thường trực hoặc thành viên của Ban chỉ đạo 389 cấp tỉnh, đến nay, hầu hết Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đã ký quy chế với cấp ủy chính quyền, địa phương hoặc các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ngoài ra, trong lực lượng, các đơn vị đã chủ động ký quy chế theo cụm, theo tuyến, địa bàn. Điển hình như 20 Cục Quản lý thị trường các tỉnh phía Nam ký Quy chế quy định công tác phối hợp trong việc tiếp nhận, thông báo và xử lý thông tin, tổ chức kiểm tra và xử lý vi phạm tại địa bàn giáp ranh và hàng năm, tổ chức họp đánh giá kiểm điểm tình hình thực hiện. Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã ký Quy chế phối hợp với 27 Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Cục Hải quan tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác Quản lý thị trường tại địa phương.
Liên quan đến công tác truyền thông, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các cơ quan báo chí truyền thông, năm 2022, Tổng cục Quản lý thị trường đã phát triển mạnh việc tuyên truyền hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường trên các trang mạng xã hội như Tiktok, Facebook, Youtube; Có thêm nhiều bài viết chuyên sâu về văn hóa công vụ, phân tích về chính sách pháp luật...
Đặc biệt, 2022 là năm lực lượng Quản lý thị trường kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống (3/7/1957-3/7/2022), hưởng ứng dịp này, Tổng cục Quản lý thị trường đã tổ chức chuỗi sự kiện liên quan và để lại nhiều dấu ấn như: Cuộc thi viết với chủ đề “Dấu ấn Quản lý thị trường” với gần 200 tác phẩm dự thi, trao giải 34/200 tác phẩm xuất sắc; tổ chức 05 đợt trưng bày Hàng thật - Hàng giả với các chuyên đề khác nhau, mỗi đợt kéo dài từ 5-7 ngày; ra mắt Tạp chí Quản lý thị trường số đặc biệt; phát động trồng 65.000 cây xanh; thiết kế logo “65 năm truyền thống lực lượng Quản lý thị trường”; Giải bóng đá nam Tổng cục Quản lý thị trường; Hoàn thành xây dựng và khởi công một số công trình trụ sở cấp Cục, Đội…
Tiếp tục tăng cường công tác phối hợp
Chia sẻ về tình hình chống buôn lậu trên biên giới, Đại tá Nguyễn Văn Hiệp - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm bộ đội biên phòng - cho biết, đối tượng ở trên biên giới thường có quan hệ cấu kết với đối tượng ở trong nội địa. Cụ thể, đối với tuyến biên giới Trung Quốc – Việt Nam, do nước bạn xây dựng tuyến hàng rào rất kiên cố, hoạt động buôn lậu trên biên giới ở tuyến này về cơ bản chấm dứt, nhưng lại nảy sinh ra 1 số gian lận thương mại ở cửa khẩu phía Bắc. Còn tuyến biên giới Việt- Lào, hàng hóa thông thương qua Việt - Lào không nhiều. Trong khi đó, tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, mùa nước đi bằng xuồng, mùa không có nước đi bằng xe máy, ô tô, rất thuận lợi cho đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới với mức độ nhỏ lẻ. Đây cũng là thách thức của các lực lượng chống buôn lậu.
Trên tuyến biển, với hệ thống cảng biển nhiều, lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua container rất lớn, đã nảy sinh ra các hoạt động của các đối tượng thành lập công ty ma, dùng công ty giả, giấy tờ giả trong nội địa, sau đó lợi dụng vấn đề quản lý rủi ro về hải quan, luồng xanh, luồng đỏ… để xuất nhập khẩu các lô hàng, trong đó có những lô hàng cấm nhập, kê khai sai để trốn thuế. Nhận diện tình hình, thời gian qua, bộ đội biên phòng đã triệt phá nhiều vụ việc liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại. Trong kết quả tích cực đó, có sự phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường.
Đánh giá cao những kết quả đạt được của lực lượng Quản lý thị trường trong thời gian qua, ông Lê Thanh Hải – Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia – cho biết, một trong những ấn tượng của lực lượng Quản lý thị trường trong năm 2022 chính là Quản lý thị trường ở một số địa phương đã tích cực hiệu quả trong việc phát hiện xử lý các kho hàng bán hàng lậu, hàng nhái.
Ông Lê Thanh Hải – Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia |
Tuy nhiên, việc chống buôn lậu hàng giả muốn tốt được thì phải thông từ ngoài vào trong, cần sự phối hợp giữa các lực lượng. “Trong năm 2022, sự phối hợp giữa các lực lượng trong Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương nhất là lực lượng Quản lý thị trường, hải quan, biên phòng đã tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, sự phối hợp này vẫn chưa được như mong muốn. Thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các lực lượng để tiếp tục phát huy hiệu quả trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả” - ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Đại tá Nguyễn Văn Hiệp chia sẻ, việc phối hợp giữa các lực lượng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là hết sức cần thiết. Nếu không làm tốt công tác phối hợp này thì chỉ đánh đối tượng vác thuê, còn đối tượng chủ mưu cầm đầu thì không thể giải quyết được 1 cách căn cơ.
Mặc dù đạt những kết quả nhất định, song theo Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, sự trao đổi thông tin, cơ chế hành chính quân sự 2 bên nhiều khi chưa được thực chất, đôi khi còn lúng túng trong trao đổi thông tin. “Công tác phối hợp trực tiếp giữa 2 lực lượng cần có sự đổi mới hơn nữa. Ngoài ra, hai bên cần có những phương án, kế hoạch trực tiếp phối hợp với nhau ngay từ đầu. Đặc biệt, lãnh đạo 2 bên chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp, có báo cáo tổng kết để sự phối hợp đi vào thực chất; cần thành lập các đoàn liên ngành để có sự định hướng chỉ đạo tốt hơn, sát hơn”- Đại tá Nguyễn Văn Hiệp đề xuất.
Ông Nguyễn Minh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết rất ấn tượng với những kết quả mà lực lượng Quản lý thị trường đã đạt được, từ những vụ việc mà lực lượng đã phát hiện triệt phá có ảnh hưởng rất lớn tới đời sống sinh hoạt của người dân, gần đây nhất là vụ kiểm tra phát hiện phụ kiện linh kiên ô tô xe máy lớn ở TP.HCM.
Ông Tuấn cho rằng, về công tác phối hợp, giữa các lực lượng cần phải phối hợp tốt hơn nữa để chủ động phòng ngừa, tiềm ẩn những vi phạm về lý do thông quan hàng hoá, tuồn hàng giả, hàng lậu, hàng gian lận thương mại nổi lên trong năm vừa qua và còn nổi lên trong năm tới với các hình thức tinh vi hơn, nhất là về chuyển phát nhanh và sự nở rộ của thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội.
Chúng tôi cũng đã làm việc với văn phòng thường trực ban chỉ đạo 389, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Thương mại điện tử kinh tế số để rà soát, nắm thông tin về các đối tượng tiềm ẩn những vi phạm trên môi trường này.
Năm 2023, dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả sẽ còn diễn biến phức tạp, nhất là trên môi trường thương mại điện tử. Do vậy, để góp phần bảo đảm thị trường ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng Quản lý thị trường đặt mục tiêu, thay đổi toàn diện phương thức làm việc; chủ động giám sát, ưu tiên phòng ngừa, trở thành lực lượng phản ứng nhanh, hoạt động hiệu quả 24/7 mọi lúc, mọi nơi.
Tập trung phòng chống và xử lý hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử; Thực hiện chuyển đổi số toàn diện, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý địa bàn tập trung; Siết chặt kỷ luật công vụ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý đơn vị. Đặc biệt, hướng đến mục tiêu, cấp Đội là hạt nhân trong việc xây dựng người Quản lý thị trường chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại.
Nhằm hiện thực hóa những mục tiêu trên, năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường cả nước sẽ tăng cường chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của lực lượng trong năm mới. Ngoài ra, lực lượng cũng tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra công vụ đột xuất đối với công chức, từng đơn vị trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường; xử lý nghiêm công chức vi phạm, đặc biệt là hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa.