Ngành công nghiệp trọng điểm khởi sắc, tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng TP. Hồ Chí Minh: Sản xuất công nghiệp đang dần hồi phục |
Theo báo cáo của UBND TP. Hồ Chí Minh, trong 10 tháng năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn.
10 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm TP. Hồ Chí Minh tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2022 |
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các ngành, lĩnh vực kinh tế của TP. Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, trong đó sản xuất công nghiệp đã có sự khởi sắc, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 10 tháng năm 2023 tăng 3,7% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, chỉ số sản xuất của 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 6,3%. Trong đó, ngành hóa dược tăng 19,2%; ngành cơ khí tăng 7,4%; ngành sản xuất hàng điện tử tăng 6,0%; ngành lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 6,0%.
Đối với 3 ngành công nghiệp truyền thống, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 10 tháng giảm 8,6% so với cùng kỳ, trong đó ngành dệt tăng 2,5%; sản xuất trang phục giảm 12,6%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 8,1%.
Với đà tăng trưởng trở lại của các ngành công nghiệp trọng điểm, kéo theo chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 10 năm 2023 tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 19,9% so với cùng kỳ cho thấy tín hiệu tích cực về sự phục hồi của ngành công nghiệp Thành phố. Tính chung 10 tháng năm 2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh sự khởi sắc của ngành công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2023 đạt 978.681 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch ước đạt 140.048 tỷ đồng, tăng 32,6% so với năm 2022.
Đối với lĩnh vực ngân hàng, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 10/2023 ước đạt 3.386.500 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế TP. Hồ Chí Minh tuy tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Song vẫn còn những tồn tại, hạn chế như kim ngạch xuất nhập khẩu giảm (lũy kế 10 tháng năm 2023 giảm 13,4% so cùng kỳ), số lượng doanh nghiệp có tăng về số lượng nhưng số vốn giảm, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng.
Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công dù đứng thứ 3 trên cả nước nhưng mới đạt 35% kế hoạch năm. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện tại vẫn đang ở mức thấp so với mục tiêu ngân hàng Nhà nước đề ra (14%), cho thấy quá trình phục hồi của nền kinh tế vẫn chưa mạnh mẽ.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai cho rằng, 2 tháng còn lại của năm 2023 cực kỳ quan trọng cho giai đoạn chạy nước rút để TP. Hồ Chí Minh thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm. Do đó, TP. Hồ Chí Minh triển khai thực hiện 10 giải pháp trọng tâm.
Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh), PAR Index (chỉ số cải cách hành chính). Cùng với đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản; thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, lĩnh vực đô thị.
Bên cạnh đó, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tỷ lệ giải ngân đầu tư công, chỉ tiêu thu ngân sách, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trong đó, tập trung chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 ở mức cao nhất. Đồng thời, triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường, phát triển du lịch dịp cuối năm. Đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, truyền thông chính sách…