TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ
Phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công Thương |
Ngành Công Thương giữ vai trò đầu tầu
TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Trong đó, sản lượng công nghiệp của thành phố này chiếm tới 16% tổng sản lượng công nghiệp của cả nước. Bởi vậy, phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nói riêng là chính sách trọng tâm ưu tiên của thành phố.
Theo ông Nguyễn Phương Đông – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua, Sở Công Thương đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo và tham mưu ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố quy định về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực CNHT.
Ngoài ra, Sở Công Thương đã hoàn chỉnh dự thảo Chương trình Phát triển CNHT giai đoạn 2018 – 2025 và dự thảo Quy chế Quản lý và thực hiện chương trình trên.
Chia sẻ về việc triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, sản xuất lĩnh vực CNHT thông qua Chương trình kích cầu đầu tư của thành phố, ông Đông cho hay, riêng 6 tháng đầu năm 2018, Sở đã tiếp nhận, xử lý công văn đề nghị xem xét, duyệt điều chỉnh nội dung thực hiện dự án của 6 doanh nghiệp.
Một trong những khâu quan trọng nhất mà doanh nghiệp cần giúp đỡ là tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Theo đó, ngành Công Thương thành phố đã tăng cường công tác xúc tiến, tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp CNHT trong nước với doanh nghiệp FDI.
Cụ thể, năm nay thành phố đã tổ chức thành công Chương trình “Ngày hội tìm kiếm nhà cung cấp CNHT”. Với phương thức tổ chức hoàn toàn mới, Sở Công Thương đã triển khai chuỗi hoạt động, trong đó có 242 cuộc tiếp xúc, kết nối trực tiếp giữa doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối (thuộc lĩnh vực điện tử, ô tô và cơ khí chế tạo) với doanh nghiệp CNHT của Việt Nam.
“Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến phát triển CNHT, Sở Công Thương đã chủ trì tổ chức liên kết giữa các Hội ngành nghề, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp. Sau khi trao đổi thống nhất, Hiệp hội Nhựa thành phố và Hội Nông dân thành phố đã tiến hành ký kết Bản ghi nhớ hợp tác”- ông Đông chia sẻ thêm. Được biết, trong tháng 12 tới, Sở sẽ tổ chức Triển lãm quốc tế về CNHT.
Gỡ khó về mặt bằng, vốn cho doanh nghiệp
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp CNHT, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn lớn về vốn cũng như mặt bằng. Trước thực tế đó, thành phố đang tìm nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Đông cho biết, hiện nay, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố (Hepza) đã đề xuất quy hoạch 3 địa điểm để bố trí quỹ đất phát triển CNHT, gồm: KCN Hiệp Phước - giai đoạn 2 (diện tích 200ha); KCN Lê Minh Xuân 3 (diện tích 104ha); KCN Cơ khí ô tô (diện tích 65 ha).
“Ngoài 3 địa điểm trên, theo chỉ đạo của UBND thành phố, Hepza đang phối hợp với các đơn vị đề xuất quy hoạch khu công nghiệp tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp và CNHT”- lãnh đạo Sở Công Thương cho hay.
Chia sẻ thông tin liên quan đến nguồn vốn, theo ông Đông, nửa đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh đã thực hiện 5 lễ ký kết thông qua Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp tại Củ Chi, Tân Bình, Bình Chánh, Bình Tân, Thủ Đức nhằm triển khai gói tín dụng hỗ trợ cho 2.306 doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực với tổng số tiền 83.034 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty đầu tư tài chính Nhà nước đang phối hợp Sở Tài Chính thực hiện các thủ tục tiếp nhận khoản tài trợ tín dụng 15 triệu Euro của Chính phủ Ý để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo dự án “Nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh của Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương”.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, song theo đánh giá của Sở Công Thương, phần lớn doanh nghiệp CNHT thành phố có quy mô nhỏ và vừa nên chưa quan tâm đến việc nâng cao năng suất, cải tiến doanh nghiệp, dẫn đến số lượng doanh nghiệp tham gia các chương trình đào tạo còn hạn chế.