TP. Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp giảm giá mạnh tạo cú huých mua sắm cuối năm
Sức mua cải thiện về cuối năm
Theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, trong tháng 11/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP. Hồ Chí Minh ước đạt 108.022,6 tỷ đồng, tăng cao so với cùng kỳ (tăng 14,6%). Tính chung 11 tháng của năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thành phố ước đạt 1.081.301 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 11/2023 ước đạt 62.328,3 tỷ đồng, chiếm 57,7% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tăng 17,9% so với cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng năm 2023, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 634.636,6 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, một số nhóm hàng có mức tăng cao trên 10% so với cùng kỳ gồm: Lương thực, thực phẩm, đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình…
Giảm giá hàng hóa tạo động lực thúc đẩy doanh thu bán lẻ tăng cao, nhất là vào dịp cao điểm mua sắm cuối năm. |
Theo đánh giá của lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh, nhìn chung sức mua nội địa trên địa bàn thành phố tiếp tục được duy trì so với trước. Nguyên nhân là do trong thời gian qua, thành phố đã xây dựng nhiều chương trình khuyến mại kích cầu tiêu dùng; đặc biệt với nhóm hàng lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, phương tiện vận tải…
Mặc dù sức mua đã cải thiện rõ rệt song ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định, sức chi tiêu cho bán lẻ nói chung vẫn còn thấp. Điều này xuất phát từ thu nhập của người tiêu dùng sụt giảm, trong khi giá hàng hóa có xu hướng tăng, dẫn tới người dân phải tiết kiệm khi mua sắm.
Tiếp tục kích cầu, tạo cú huých cho mùa cuối năm
Trong bối cảnh thị trường hiện nay, các doanh nghiệp bán lẻ ở TP. Hồ Chí Minh cho biết đang trông chờ vào các đợt mua sắm cao điểm của Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới. Theo các doanh nghiệp, đây là những đợt mua sắm lớn nên người tiêu dùng sẽ chi tiêu nhiều hơn. Từ đó, để tạo cú huých cho thị trường bán lẻ cuối năm, các doanh nghiệp ngoài chuẩn bị nguồn hàng hóa với sản lượng tăng, còn liên kết với nhà cung cấp giữ ổn định với cam kết không tăng giá cho đến hết năm.
Song song đó, các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn thành phố đang tiếp tục thực hiện các đợt giảm giá sâu cho hàng chục ngàn sản phẩm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Ghi nhận của phóng viên tại các hệ thống bán lẻ như Emart, Lotte Mart, Co.opmart, Co.opXtra… cho thấy, các đơn vị này đều có những đợt giảm giá mạnh tay.
Trong đó, Emart tổ chức giảm giá đến 65% cho nhiều mặt hàng từ thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hàng gia dụng, hàng thời trang… cho tới hóa mỹ phẩm; chương trình này tổ chức từ 23/11 và kéo dài đến hết ngày 6/12. Tương tự, các siêu thị Lotte Mart cũng đang giảm giá tới 55% cho nhiều ngành hàng tiêu dùng thiết yếu.
Một nhà bán lẻ khác là Saigon Co.op mới đây cũng tung ra đợt khuyến mãi mới cho các sản phẩm hàng nhãn riêng Coop sau khi kết thúc đợt trợ giá cho 5.000 sản phẩm thiết yếu. Theo đó, từ nay đến hết ngày 12/12, các điểm bán của Saigon Co.op Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife, Co.opOnline sẽ thực hiện giảm giá cho hơn 1.000 sản phẩm hàng nhãn riêng Co.op. Đáng chú ý, sản phẩm hàng nhãn riêng vốn có giá thấp hơn thị trường khoảng 15%, nay được kết hợp giảm thêm đến 50% nên được kỳ vọng sẽ giúp khách hàng chi tiêu tiết kiệm hơn.
Góp phần thúc đẩy sức mua cuối năm, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã làm việc với các hệ thống bán lẻ, phối hợp cùng các địa phương trên cả nước cung ứng nguồn hàng chất lượng, giá ổn định cho người tiêu dùng. Năm nay, lượng hàng hóa bình ổn giá tiếp tục chiếm từ 25-43% nhu cầu thị trường, nhằm phục vụ cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Cụ thể, cung ứng ra thị trường mỗi tháng khoảng 70 triệu trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn hải sản, 2.000 tấn dầu ăn… |