Giá thịt heo rẻ như rau
Những ngày gần đây, thương nhân trong chợ đầu mối Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) và người tiêu dùng lo lắng bởi xung quanh chợ đầu mối Hóc Môn bán thịt heo giá rẻ như rau. Không những thế, có một số quầy thịt heo được bày bán dưới nền đất, không đảm bảo điều kiện kinh doanh thực phẩm và không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Điều đáng nói, ngoài việc bán trực tiếp, các chủ hàng ở bên ngoài chợ còn rao bán thịt heo online trên các nền tảng mạng xã hội với lời khẳng định thịt heo từ chợ đầu mối Hóc Môn.
Các thương nhân bên trong chợ cho rằng, điều này là không công bằng đối với họ. Khác với hàng hóa bên ngoài chợ, thịt heo bên trong chợ được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc hàng hóa, quy trình, phương tiện vận chuyển, công nghệ giết mổ, điều kiện lưu giữ, trưng bày bán sản phẩm... do đó, giá thành sản phẩm cũng cao hơn bên ngoài chợ.
Giá thịt heo bên ngoài chợ đầu mối có giá chỉ từ 60.000 – 90.000 đồng/kg. Ảnh: Ngân Nga |
Những vấn đề trên không chỉ đem đến sự lo lắng cho các thương nhân kinh doanh thịt heo sạch mà còn khiến tất cả người tiêu dùng bất an về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ghi nhận của phóng viên Vuasanca , tại đường số 4 bên ngoài chợ đầu mối Hóc Môn, khoảng 6 giờ sáng, heo thịt được bày bán tràn lan. Mỗi quầy có hàng trăm kg heo thịt và có 2 - 3 người bán để kịp đóng gói hàng cho khách.
Mặc dù nhiều quầy bày thịt heo dưới nền đất của vỉa hè hoặc trên những sạp có màu đen kịt, nhưng người mua vẫn tấp nập bởi giá thịt ngon nhất cũng chỉ chưa đến 100.000 đồng/kg.
Nhìn bảng niêm yết trên miếng thịt, chúng tôi thấy loại thịt ngon như thịt heo đùi, thịt mông giá chỉ hơn 70.000 đồng/kg, ba rọi chỉ hơn 90.000/kg, nếu mua nạc dăm, đầu gáy, xương cổ… giá dưới 50.000 đồng/kg.
Thịt heo ngoài chợ đầu mối Hóc Môn được bày bán trực tiếp dưới sàn. Ảnh: Ngân Nga |
Bà Kiều Trang, thương nhân kinh doanh trong chợ đầu mối Hóc Môn, lo lắng: “Trong khi giá heo hơi hiện nay bình quân cả nước đã 63 – 65.000 đồng/kg, vậy mà các quầy kinh doanh heo thịt ngoài chợ bán giá 60.000 - 70.000 đồng/kg. Cho dù họ mua được heo giá rẻ, tự chuyên chở, tự giết mổ cũng không thể bán được với giá đó. Trừ khi họ lấy hàng kém chất lượng”.
Chị Đào cũng là một thương nhân bán thịt heo nhiều năm bên trong chợ chia sẻ, khác với thịt heo bên ngoài chợ, hàng trong chợ luôn tuân thủ an toàn thực phẩm. Heo được nhập từ các cơ sở giết mổ công nghiệp, sau khi giết mổ, được đưa lên xe và cán bộ thú y tiến hành niêm phong. Khi về đến cửa chợ, có đội kiểm soát an toàn thực phẩm kiểm tra, đối chiếu thông tin, mã vạch trích xuất nguồn gốc rồi mới cho vào chợ. “Điều bức xúc nhất là họ bán heo ngoài chợ nhưng trên các nền tảng mạng xã hội tự giới thiệu là thịt heo chợ đầu mối Hóc Môn. Nếu khách hàng đặt mua online rất dễ hiểu nhầm là heo sạch bên trong chợ. Nếu có vấn đề về sức khỏe, chúng tôi là người bị ảnh hưởng nặng nề”, chị Đào cho biết.
Đại diện Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết, chợ có 310 vựa/sạp chính về rau, củ, quả, trái cây, thịt heo… Theo công ty này, qua công tác quản lý, phát hiện bất cập khi nhiều điểm buôn bán “tự phát” bên ngoài chợ đầu mối như các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, phòng cháy chữa cháy…
“Đối với thịt heo, bên ngoài chợ có 38 điểm bán thịt dọc theo các tuyến đường quanh chợ. Nguồn thịt heo chủ yếu lấy từ các lò giết mổ thủ công, lò giết mổ lậu không rõ nguồn gốc. Thịt được sơ chế, bày bán ngay trên sàn nhà, lòng đường, sử dụng nước giết mổ chưa qua xử lý”, ông Lê Hoàng Phong - Phó Giám đốc Công ty - nhấn mạnh.
Nước thải từ các quầy thịt heo đổ trực tiếp ra đường gây mất vệ sinh môi trường. Ảnh: Ngân Nga |
Theo ông Phong, thương nhân kinh doanh trong chợ có đầy đủ giấy chứng nhận đảm bảo sức khỏe theo quy định, tham gia tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn thực phẩm.
“Đối với ngành hàng thịt heo, công ty đã tích cực tham gia đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo. Thịt heo bên trong chợ phải đảm bảo tươi, nhập từ các cơ sở giết mổ hợp pháp. Thịt heo được đeo vòng nhận diện, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm tra chặt chẽ trước khi đưa vào chợ. Tất cả các xe chở thịt, quầy sạp… đều được vệ sinh, tiêu độc khử trùng hàng ngày..", ông Phong cho biết.
Tại buổi giám sát, đại diện Công ty Quản lý chợ đầu mối Hóc Môn kiến nghị, với những bất cập còn tồn tại bên ngoài chợ, đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra chặt chẽ, xử lý mạnh tay với các hộ kinh doanh thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Vẫn còn 126 điểm kinh doanh tự phát bên ngoài chợ đầu mối Hóc Môn
Tại buổi kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối Hóc Môn trong đêm 12/8 vừa qua, ông Cao Thanh Bình – Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP. Hồ Chí Minh - nhận xét: “Xung quanh chợ đầu mối không kiểm soát được thì đừng nói đến đảm bảo an toàn thực phẩm”.
Ông Cao Thanh Bình – Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP. Hồ Chí Minh kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm đêm 12/8 ở chợ đầu mối Hóc Môn. Ảnh: Ngân Nga |
Ông Bình cho rằng, chợ đầu mối phải bảo đảm an toàn thực phẩm thì các chợ bán lẻ trong thành phố mới bảo đảm được vấn đề này. Do đó, nguồn hàng nhập vào chợ phải được kiểm soát chặt chẽ, nguồn hàng ra từ chợ phải bảo đảm an toàn thực phẩm.
“Tình trạng bán hàng tự phát bủa vây chợ đầu mối là vấn đề nhức nhối của thành phố. Vấn đề là chính quyền địa phương (huyện Hóc Môn) có muốn xử lý dứt điểm hay không. Sau khảo sát, đoàn sẽ kiến nghị trực tiếp với UBND thành phố về vấn đề này”, ông Bình nhấn mạnh.
Tại đêm kiểm tra, bà Huỳnh Thị Xuân Mai - Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn - cho biết, đoàn kiểm tra của huyện gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý chợ tự phát. Nhiều chủ hộ đối phó, như khi đến kiểm tra thì không có mặt, thiếu nhiều giấy tờ, mang hàng cất nơi khác để không bị kiểm tra. Lực lượng kiểm tra của huyện còn mỏng...
“Thời gian tới, UBND huyện Hóc Môn sẽ tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm với các hành vi vi phạm tại khu vực bên ngoài chợ đầu mối Hóc Môn”, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn nói.
Theo bà Huỳnh Thị Xuân Mai, hiện bên ngoài chợ đầu mối Hóc Môn có 126 điểm kinh doanh tự phát. Đến thời điểm này, chính quyền cho biết chưa dẹp được điểm nào. Bà Mai thông tin, huyện đã thành lập Tổ liên ngành trực 24/24 để kiểm soát các xe dừng đậu không đúng nơi quy định, tuy nhiên do lực lượng mỏng, phải kiêm nhiệm nhiều việc nên không thể kiểm tra thường xuyên.
Ông Bình cho rằng, ý nghĩa khi xây dựng 3 chợ đầu mối là để gom chợ nhỏ lẻ về một đầu mối, dễ kiểm soát chặt nguồn hàng cung ứng cho thành phố. Tuy nhiên, quá trình hoạt động không như mong muốn, đặc biệt vấn nạn chợ tự phát.
"Chợ đầu mối là nơi cung cấp lượng lớn thực phẩm cho thành phố. Do đó, có làm cách nào đi chăng nữa, nhưng xung quanh chợ đầu mối không kiểm soát được thì đừng nói đến đảm bảo an toàn thực phẩm", ông Bình khẳng định.