Các tỉnh thành tăng cường rà soát, kiểm tra việc thực hiện giảm giá vé của các DN vận tải dịp Tết.
Giảm căng thẳng vé xe dịp Tết
Tại TP HCM hiện có khoảng gần 500 DN kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch, trong đó có khoảng 57 DN kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định. Ngoài ra, trên địa bàn có hơn 10.000 xe taxi và hàng chục nghìn DN, cá nhân kinh doanh vận tải hàng hóa.
Trước việc giá xăng liên tục giảm, các đơn vị vận tải đã thực hiện ba đợt giảm giá cước vận tải. Tính đến đầu tháng 2/2015, hầu hết các DN đã kê khai giảm giá, trong đó có 44/55 DN kinh doanh vận tải theo tuyến cố định kê khai lại giá cước lần 3 với mức giảm từ 3%- 10% cho tất cả các tuyến.
Theo niêm yết tại các bến xe, hầu hết các DN đã có thông báo về việc giảm giá cước. Cụ thể, tại Bến xe Miền Đông, hiện có 175 tuyến xe đi các tỉnh trong cả nước, gồm 207 DN đăng ký hoạt động. Trong số này mới có khoảng gần 200 DN thông báo giảm giá cước vận tải hành khách với mức giảm từ 5 - 15% so với năm ngoái. Tại Bến xe Miền Tây, theo Phó Tổng giám đốc Bến xe Miền Tây - ông Trần Văn Phương, năm nay hầu hết các tuyến xe đã thông báo mức giá cước giảm với mức giảm 5- 20% so với cùng kỳ năm ngoái (chưa tính phụ thu). Cụ thể, đối với tuyến TP HCM đi Mỹ Tho, giá vé là 43 ngàn đồng/lượt thay vì 49 ngàn đồng/lượt như năm trước. Tuyến TP HCM- Trà Vinh 120 ngàn đồng/ lượt giảm 10 ngàn đồng/ lượt…
So với mọi năm, năm nay người dân có thể dễ dàng mua được một tấm vé về quê ăn tết. Bởi các DN vận tải ngày càng nhiều cùng với việc tăng chuyến, tăng xe để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Với sự cạnh tranh gay gắt đã buộc các DN vận tải phải thay đổi phương thức hoạt động, chú trọng chất lượng để phục vụ người dân.
Chưa hết những âu lo
Giá xăng giảm liên tục, nhưng vé xe chỉ giảm ở mức nhỏ giọt. Hầu hết, các chủ xe đều cho rằng muốn giảm giá cần phải có lộ trình và thời gian, hơn nữa các loại phí như phí đường bộ, phí cầu đường, lương nhân viên đều tăng... nên chỉ có thể giảm giá cước rất ít.
Song song với việc giảm cước nhưng nhiều nhà xe lại tăng phụ thu đối với các tuyến xe. Theo ông Thượng Thanh Hải - Phó giám đốc Bến xe Miền Đông, sản lượng khách qua bến xe trong dịp Tết Ất Mùi này không tăng so với năm ngoái, nhưng mức phụ thu sẽ từ 20 - 60% giá vé, tính từ ngày 31/1 tùy theo các tuyến. Cụ thể, đối với các tuyến từ Huế trở ra các tỉnh phía Bắc, phụ thu 60% từ ngày 9- 18/2 (21- 30/12 Âm lịch); các tuyến từ Phú Yên ra đến Quảng Nam, Đà Nẵng và các tuyến thuộc tỉnh Gia Lai, Kon Tum, cũng phụ thu 60% từ ngày 10- 18/2 (22- 30/12 âm lịch)...
Bên cạnh đó, tình trạng nhồi nhét khách, hoặc các loại xe dù, xe đò không vào bến xe, thu thêm phí đối với những người mang nhiều hành lý cũng sẽ khó tránh khỏi bởi Tết về quê ai cũng mang nhiều hàng hóa về làm quà - Chị Nguyễn Thanh Mai - Công nhân quê ở Phú Yên chia sẻ.
Để giám sát việc thực hiện giảm giá cước, Bộ Tài chính, Bộ GTVT đã yêu cầu UBND các tỉnh thành rà soát, kiểm tra việc thực hiện giảm giá vé của các DN vận tải. Đồng thời, tại Nghị định số 107/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã tăng mức xử phạt hành chính đối với những cá nhân, DN vận tải hành khách chở quá số người quy định với mức xử phạt từ 300 ngàn đồng- 1 triệu đồng đối với mỗi người chở vượt quá. Những biện pháp này đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh vận tải, đảm bảo quyền lợi sử dụng dịch vụ tàu xe của người dân.