TP. Hồ Chí Minh: Nỗi lo ô nhiễm môi trường - Kỳ II: Khói bụi và nước thải công nghiệp - “kẻ thù” của người dân
Khí thải từ hàng triệu phương tiện giờ cao điểm đang “bức tử” môi trường và sức khỏe người dân |
Môi trường bị “bức tử”
Ngoài 8.000 - 10.000 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, môi trường TP. Hồ Chí Minh còn bị ô nhiễm bởi khí thải của các nhà máy, hệ thống máy lạnh, phương tiện tham gia giao thông, nước thải sinh hoạt khiến mức độ gây ô nhiễm ngày càng gia tăng. Theo ông Trần Xuân Đức - đại diện Phòng Cảnh sát đường bộ - đường sắt Công an TP. Hồ Chí Minh, 9 tháng đầu năm 2016, tổng số phương tiện đăng ký mới là 52.414 ôtô và 235.884 mô tô. Trong số phương tiện tham gia giao thông, số phương tiện hết niên hạn sử dụng do cơ quan đăng kiểm cung cấp năm 2015 là 897 xe và năm 2016: 1.455 xe. Hiện nay, thành phố đã thực hiện thu hồi đăng ký, biển số xe đối với 216 trường hợp xe hết niên hạn.
Các nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố cũng góp phần gia tăng sự ô nhiễm. Mặc dù chương trình “đại phẫu” 1.402 cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn đã di dời hàng loạt cơ sở, nhưng một số vẫn còn tồn tại như: Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam - TNHH MTV (IDICO); Nhà máy xi - măng Hà Tiên (quận Thủ Đức); 21 cơ sở sản xuất tại khu phố 4 và 5, phường Đông Hưng Thuận, quận 12. Trong 21 cơ sở sản xuất dệt nhuộm, sản xuất giấy, bao bì tại quận 12, kế hoạch của thành phố giao 16 cơ sở phải di dời từ tháng 6 và phải hoàn tất trước tháng 12/2016.
Ngoài một số cơ sở nằm trong diện buộc phải di dời, vẫn tồn tại tình trạng các nhà máy, xí nghiệp sản xuất hóa chất, phân bón, nhựa, bao bì… thuộc các quận, huyện ven thành phố đang ngày đêm xả thải trực tiếp xuống kênh rạch, gây ô nhiễm môi trường ở mức độ lớn.
Cụ thể, đoạn kênh Xáng thuộc địa bàn xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, có 4 nhà máy sản xuất phân bón nằm sát bờ kênh và trực tiếp xả thải xuống kênh. Tại Công ty CP Hóa chất và phân bón Ba Miền (B2/22 Mai Bá Dương, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) sản xuất phân bón trong tình trạng nhà xưởng xây dựng thô sơ và trực tiếp xả thải xuống kênh Xáng. Doanh nghiệp này không có giấy phép sản xuất phân bón và nhiều lần bị cơ quan chức năng huyện Bình Chánh xử phạt vì vi phạm môi trường.
Trực tiếp đến khu vực có nhiều nhà máy sản xuất phân bón không phép, sai phép nằm trên địa bàn huyện Bình Chánh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - Trần Vĩnh Tuyến tận mắt chứng kiến các nhà máy sản xuất phân bón xả chất thải trực tiếp xuống kênh rạch đã nói thẳng, không thể chấp nhận được tình trạng tự do bức hại môi trường như vậy được. Trách nhiệm này thuộc về tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường tại đây. Ai làm sai, mức độ tới đâu phải được xử lý nghiêm.
Những hệ lụy
Bệnh viên Nhi đồng II và Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM luôn quá tải bệnh nhân đường hô hấp mỗi ngày |
Do môi trường bị ô nhiễm nặng, các bệnh về đường hô hấp của người dân TP. Hồ Chí Minh ngày một gia tăng.
Bác sĩ Huỳnh Minh Thu - Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viên Nhi Đồng II - cho biết, 9 tháng đầu năm 2016, có 80.292 bệnh nhân điều trị nội trú, trong đó bệnh nhân mắc chứng hô hấp chiếm 30.341 bệnh nhân (gần 40% tổng các ca bệnh). Trong một tháng gần đây (trung tuần tháng 9 đến trung tuần tháng 10), bệnh viện còn tiếp nhận hơn 4.000 ca bệnh nhân tay chân miệng. Theo bác sĩ Thu, các bệnh nhân mắc bệnh hô hấp hiện nay chủ yếu do môi trường sống bị ô nhiễm nặng. Thực tế cho thấy, tình trạng không khí chứa nhiều khói bụi, ngập nước, rác thải không được xử lý đúng cách là tác nhân trực tiếp gây ra nhiều chứng bệnh nguy hiểm cho người dân như ung thư, dịch bệnh, sốt xuất huyết, tim mạch, huyết áp chứ không riêng bệnh hô hấp.
Không chỉ bệnh viện Nhi đồng II, hàng loạt các bệnh viện lớn và chuyên ngành trong thành phố như: Bệnh viện quốc tế Sài Gòn ITO (chuyên về chấn thương chỉnh hình), Bệnh viện nhân dân Gia Định, bệnh viện Tai - Mũi - Họng… cho đến các phòng khám, lượng bệnh nhân đến khám bệnh về đường hô hấp cũng rất đông.
Với khoảng gần 9 triệu phương tiện xe máy và ôtô, đặc biệt trong những giờ cao điểm hàng ngày ở TP.Hồ Chí Minh, người dân đã phải hít một lượng lớn khí thải độc hại từ các phương tiện trên xả ra môi trường. |
(Còn nữa)