TP. Hồ Chí Minh: Phân loại rác thải rắn tại nguồn vẫn còn nhiều bất cập
Chia sẻ trong chương trình lắng nghe và trao đổi tháng 3, với chủ đề “Nâng cao hiệu quả phân loại rác thải rắn tại nguồn” do Hội đồng nhân dân (HĐND) TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 1/4/2018, bà Lê Minh Huệ (phường 13, quận Phú Nhuận)- đánh giá: Phân loại rác thải rắn tại nguồn không thuyết phục người dân làm. Nguyên nhân là do người dân thực hiện phân loại nhưng người thu gom lại không làm, thu gom xong quăng hết lên xe. Ngoài ra, những địa phương thí điểm bị thực hiện phân rác thải rắn bị “lọt thỏm” giữa những khu không thực hiện nên không có hiệu quả.
Cũng theo bà Huệ, chương trình này nếu muốn làm cả thành phố cũng không đơn giản. Lý do, thành phố quá nhiều đơn vị thu gom rác dân lập nên điều kiện để cung cấp xe phân loại cho các đơn vị thu gom rác dân lập là rất khó! Muốn hiệu quả cao hơn trong công tác này cần thực hiện toàn thành phố và làm có lộ trình. Cụ thể như nếu không làm thì phạt hoặc không lấy rác nhà họ nữa.
Theo báo cáo của ông Đậu An Phúc- Phó Chủ tịch UBND quận 12, năm 2015 quận 12 được thực hiện chọn thí điểm với hơn 190 điểm dân cư tham gia. Năm 2016 tiếp tục có 4.500 em học sinh tham gia. Năm 2017 quận quyết định không thí điểm mà thực hiện trên toàn quận, thành lập ban chỉ đạo. Thế nhưng, kết quả chỉ có 30% hiệu quả. Như vậy, kết quả không đạt như mong muốn do người dân chưa chủ động vì dân nhập cư lớn.
Thừa nhận thực tế này, ông Cao Triệu Yên- Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 6 - cho hay: Chương trình phân loại rác thải rắn tại nguồn thời gian đầu thực hiện hộ gia định tham gia ít, khi được tuyên truyền thì hiệu quả có tăng lên. Song thực tế hiện chỉ có một số địa bàn đạt khoảng 50% hộ gia đình tham gia, trong đó có 30% tham gia đúng.
Phân tích việc quản lý, thu gom rác chưa tốt, công tác tuyên truyền vận động chưa đến từng hộ dân- Sở Tài nguyên & Môi trường thành phố- cho rằng, việc triển khai gặp nhiều khó khăn và hạn chế, còn mấy điểm chưa phù hợp. Cụ thể, UBND TP. Hồ Chí Minh còn hai quyết định quan trọng chưa ký là giá dịch vụ thu gom xử lý và quyết định quản lý chất thải rắn trong đó có lực lượng rác dân lập. Theo Sở Tài nguyên & Môi trường, việc chậm trễ này do có nhiều đóng góp của Bộ.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, phân loại rác thải rắn tại nguồn chưa cao là trách nhiệm của thành phố. Thời gian tới thành phố sẽ tổ chức hội nghị mời gọi đầu tư xử lý rác thải rắn, đồng thời xử lý các điểm rác đã chôn lấp trên địa bàn. “Không phải ai cũng hiểu chuyên môn song mỗi hành động của từng người dân có ích cho thành phố và toàn xã hội. Đề nghị Sở Tài & nguyên Môi trường kiểm tra, lắng nghe, giải quyết gắn hiệu quả trên từng địa bàn”, ông Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo.
Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là một trong những chương trình trọng điểm của TP. Hồ Chí Minh. Trong kế hoạch triển khai chương trình giai đoạn 2017-2020 do UBND thành phố ban hành đã đề ra lộ trình thực hiện cụ thể như: Tập trung công tác tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của việc phân loại rác thải rắn đến từng người dân trên địa bàn 24 quận huyện; tiếp tục nâng chất, đẩy mạnh triển khai chương trình cho các đối tượng ngoài hộ dân là cơ quan, trường học, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, bệnh viện... Lộ trình đến 2018, sau khi đúc kết kinh nghiệm, kết quả thực hiện, các quận, huyện tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng, mở rộng đối tượng, phạm vi triển khai. Đến giai đoạn 2019-2020, UBND quận, huyện tiếp tục nâng cao chất lượng, đẩy mạnh đối tượng, phạm vi, đảm bảo đến năm 2020 hoàn thành cơ bản việc triển khai phân loại chất thải tại nguồn trên toàn bộ thành phố. |