TP. Hồ Chí Minh: Sớm hoàn thiện đề án siêu cảng Cần Giờ trình Chính phủ
Tại hội nghị lấy ý kiến về Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ ngày 19/10, TS. Trần Du Lịch cho rằng, đề án cảng Cần Giờ mới đang ở giai đoạn xin chủ trương, bổ sung quy hoạch nên chặng đường tiếp theo để hình thành dự án còn rất dài.
Theo TS Trần Du Lịch, hiện nay cảng đã có hãng tàu lớn trên thế giới quan tâm và thành phố không nên đánh mất cơ hội này bởi nếu mất sẽ không tìm lại được.
Tuy nhiên ông cũng đề xuất quá trình xây dựng đề án siêu cảng này không được "đụng" vào rừng sinh quyển Cần Giờ. Phải hài hòa cụm cảng trong vùng vì lợi ích quốc gia chứ không vì địa phương cạnh tranh, xung đột lợi ích lẫn nhau. Về kết nối hệ thống giao thông từ cảng vào bên trong Cần Giờ, cần phải nghiên cứu kỹ những tác động ở giai đoạn sau năm 2030.
Phối cảnh đề án siêu cảng Cần Giờ |
Cùng chung ý kiến, theo TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc đầu tư cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là cơ hội lịch sử của đất nước vì vậy thủ tục triển khai phải nhanh hơn, để tránh tuột mất.
Trước ý kiến đóng góp của các chuyên gia, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết: Thành phố ý thức xây dựng cảng Cần Giờ là vùng “nhạy cảm” về bảo vệ tài nguyên môi trường và trong mối quan hệ vùng, nên cân nhắc nghiên cứu kỹ lưỡng và đạt kết quả mới trình dự thảo đề án cho Chính phủ.
Đồng thời, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, việc nghiên cứu dự án này hay bất kỳ dự án nào cũng hướng tới mục tiêu phát triển thành phố, phát triển vùng, phát triển cho đất nước và hướng đến sự phát triển bền vững. Do vậy thành phố không đánh đổi mọi giá để thực hiện dự án mà cân nhắc lợi ích hài hòa về lợi ích phát triển, tài nguyên môi trường, phát triển bền vững…
Theo đề án, việc nghiên cứu xây dựng cảng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nhằm hình thành cảng cửa ngõ trung chuyển quốc tế tại cù lao Ông Chó, huyện Cần Giờ, góp phần hiện thực hóa Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ cũng như Nghị quyết số 12-NQ/TU của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh về định hướng phát triển huyện Cần Giờ nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung.
Tổng mức đầu tư siêu cảng này ước tính gần 129.000 tỷ đồng - tương đương hơn 5,45 tỷ USD. Dự án do Tập đoàn MSC - hãng tàu container tốp đầu thế giới đề xuất đầu tư theo 7 giai đoạn (giai đoạn cuối đến năm 2047).
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ tại Cần Giờ nằm đối diện với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hiện tại, là khu cảng có vị trí thuận lợi để thực hiện trung chuyển quốc tế. Khi phát triển một trung tâm trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu trực tiếp đến thị trường Bắc Mỹ và châu Âu có thể trung chuyển tại Cần Giờ thay vì tại các cảng trung chuyển quốc tế khác của châu Á. Do vậy, Việt Nam có thể hưởng lợi từ chính các cơ hội thương mại mới bổ sung này.
Theo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, thành phố giao Sở Giao thông vận tải, đơn vị tư vấn phải hoàn thiện hồ sơ, cố gắng để hoàn thiện đề án trong tháng 10/2023. Sau đó, đề án sẽ tiếp tục xin ý kiến bộ, ngành và trình Chính phủ vào ngày 20/11.