Cà Mau dự kiến đón trên 32.000 khách du lịch trong dịp lễ 2/9 Miền Nam đảm bảo cung ứng hàng hóa dịp Quốc khánh 2/9 Ngày đầu nghỉ lễ 2/9: Các điểm vui chơi, mua sắm đông nghẹt khách |
Trong dịp lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, có nhiều ngành hàng tăng sức mua tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và hầu hết đơn vị sản xuất kinh doanh đảm bảo đáp ứng nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, theo ghi nhận chiều 4/9, lượng khách đến siêu thị Emart Gò Vấp có xu hướng giảm so với ngày trước đó nhưng vẫn còn khá đông. Các nhà hàng, khu mua sắm thực phẩm tại đây thường xuyên kín chỗ. Đặc biệt, nhiều sản phẩm như hải sản, thịt, trái cây, rau củ, mì gói... được giảm giá 5-20% khá hút khách.
Ông Lê Hữu Tình, quản lý cấp cao marketing - Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh bất động sản thương mại Thadico - chủ sở hữu đại siêu thị Emart, cho biết sức mua trong dịp lễ 2/9 tăng trung bình khoảng 15%.
Tương tự, đại diện siêu thị MM Mega Market cho biết sức mua trong ngày 1 và 2/9 tăng gấp đôi so với bình thường, và hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sức mua tăng cao nhất ở nhóm hàng thịt, hải sản, bia và nước giải khát. Tuy nhiên, không có tình trạng hụt hàng ở hầu hết điểm bán.
Sức mua nhiều nhóm mặt hàng như thực phẩm, nước giải khát tăng mạnh trong dịp lễ 2/9 |
Tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, sức mua bắt đầu tăng nhẹ từ chiều 29/08 và liên tục tăng đạt đỉnh vào trưa 3/9. Trong đó các mặt hàng thực phẩm, giải khát tăng mạnh nhất Những nhóm hàng ghi nhận doanh số riêng lẻ cao nhất là thịt heo, bia và bột giặt đều có doanh số ngày 3/9 gấp đôi ngày 29/8. Nhiều mặt hàng nằm trong chương trình khuyến mãi, giảm giá như nước tương Nam Dương, gạo thượng hạng Neptune, sữa hộpNutimilk, bột ngọt Ajinomoto, sữa ông thọ, cà phê hòa tan G7, nước giặt Omo, nước xả Downy, ….. liên tục cháy hàng, phải châm liên tục.
Với các mặt hàng rau củ, sức mua cũng tăng gần gấp đôi so với ngày thường, các loại thịt gia súc gia cầm; thủy hải sản tăng trung bình 30%; nhóm thực phẩm khô, đồ nguội, hàng đông lạnh, các loại nước giải khát, bia, sữa tăng trung bình 25%; các mặt hàng gia vị, dụng cụ nhà bếp và hàng may mặc thời trang tăng trung bình từ 15 % đến 20%.
Không kém phần cạnh tranh, sức mua nhiều mặt hàng tại kênh bán lẻ truyền thống cũng tăng so với ngày thường; trong đó, có thể kể đến các mặt hàng như cua, tôm, ghẹ, ốc các loại… sức mua tăng gấp đôi và giá bán tăng bình quân 5.000 đồng/kg, tùy theo loại. Riêng những mặt hàng rau xanh cũng có sức mua tăng cao trong dịp lễ 2/9 năm nay, đặc biệt là những sản phẩm được tiểu thương sơ chế đóng hộp sẵn phục vụ nhu cầu nấu lẩu, làm đồ nướng…
Thống kê trong tháng 8/2022 vừa qua, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bànTP. Hồ Chí Minh ước đạt khoảng 98.840 tỷ đồng và giảm 1,1% so với tháng trước đó. Đáng chú ý, doanh thu thương mại bị giảm 0,8%; dịch vụ lữ hành cũng giảm 13,5%; các dịch vụ khác cũng giảm 1,7%; chỉ có dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng nhẹ 0,2%.
Nếu tính chung 8 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh ước đạt 746.578 tỷ đồng và tăng 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ giảm 10,6%). Để thúc đẩy hoạt động kinh doanh thương mại, nhiều sở, ngành TP. Hồ Chí Minh đang tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại hệ thống phân phối và cơ sở sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và tiểu thương tại các chợ chịu tác động của dịch bệnh.