TP. Hồ Chí Minh: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thực thi Luật Bảo hiểm xã hội
Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp về những quy định, chính sách mới bảo hiểm xã hội… ngày 11/4, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo hiểm xã hội Thành phố tổ chức Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và Chính quyền TP. Hồ Chí Minh. Đây cũng là Hội nghị đối thoại trực tiếp lần thứ 243 của Hệ thống Đối thoại doanh nghiệp - Chính quyền thành phố.
Ông Trần Dũng Hà - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh, giải đáp nhữnng vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp tại hội nghị |
Tại hội nghị, Ban tổ chức đã tiếp nhận, giải đáp gần 100 câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến công tác thu, sổ thẻ, chế độ bảo hiểm xã hội, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; những quy định, thay đổi về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ ngày 1/1/2024.
Cùng với đó, hội nghị giới thiệu về các chức năng thực hiện hồ sơ dịch vụ công và việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử trên VssID (ứng dụng bảo hiểm xã hội); cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của đơn vị trong việc triển khai cài đặt và đăng ký VssID cho người lao động.
Doanh nghiệp đặt câu hỏi tại hội nghị |
Tại hội nghị, lãnh đạo và các phòng chuyên môn của Bảo hiểm xã hộiTP. Hồ Chí Minh đã trả lời thỏa đáng những khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp trong việc thực thi các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2024…
Ông Trần Dũng Hà - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh - cho biết, tại hội nghị đã thông tin những nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); những quy định, thay đổi về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ ngày 1/1/2024…
Liên quan đến vấn đề tại sao phải sửa luật, sửa nhằm mục đích gì, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP. Hồ Chí Minh - thông tin: Mục tiêu, quan điểm chỉ đạo trong Luật Bảo hiểm xã hội nhằm thể chế hóa pháp luật, giải quyết những bất cập, đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và nhà nước. “Khi nhà nước ban hành pháp luật phải chú ý đến lợi ích người dân và khi người dân đòi hỏi về quyền lợi lao động thì phải dung hòa, mang tính chia sẻ với nhiều người khác phù hợp với thực tế và xu thế chung” - ông Trần Dũng Hà nhấn mạnh.