TP.HCM: Hàng giả, hàng nhái hoành hành dịp Tết Nguyên đán
Các mặt hàng bị thu giữ chủ yếu là đồ uống, thuốc lá lậu, hàng may mặc, hóa mỹ phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp Tết. Thực tế này cho thấy, người tiêu dùng khó tránh khỏi việc mua phải hàng kém chất lượng, trong khi cơ quan chức năng không đủ nhân lực kiểm soát thực trạng trên. Muôn hình vạn trạng hàng giả, hàng nhái Tết đến, Xuân về là dịp các mặt hàng đồ uống, quần áo và hàng tiêu dùng có sức mua tăng cao. Đây cũng là thời điểm các đối tượng lợi dụng để bung hàng kém chất lượng bán. Trong khi đó, các cơ quan chức năng không đủ nhân lực kiểm soát nên việc các siêu thị, trung tâm thương mại cũng bị gian thương tung hàng kém chất lượng, hàng nhái vào bán là chuyện dễ thấy. Ông Lê Quang Được, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ quốc tế Việt-Úc, cho biết: Doanh nghiệp phải đầu tư mỗi dây chuyền sản xuất là 3 triệu USD để đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc tế. Doanh nghiệp cũng phải mất hơn 10 năm xây dựng thương hiệu khăn ướt Baby Care. Nhưng thương hiệu Baby Care của Công ty Việt Úc đang phải điêu đứng với một “rừng” nhãn hiệu khăn giấy ướt giả, nhái thương hiệu Baby Care. Ông Được chia sẻ, những năm trước đây, bình quân mỗi tháng, Công ty tiêu thụ khoảng 10.000 thùng, nay giảm còn 6.000 thùng/tháng. Công ty rất lo lắng nhưng chưa tìm ra hướng khắc phục khi mà hàng giả, hàng nhái tăng một cách khó kiểm soát. Gần 100 nhãn hiệu giả, nhái theo nhãn hiệu khăn giấy ướt Baby Care của Công ty Việt-Úc như Baby Wipes, Baby Health, Baby Vina, Baby Mamy… Trở lại thời điểm tháng 3/2012, cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt quả tang Nguyễn Hữu Long, sinh 1981, ngụ đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, sản xuất hàng nghìn gói khăn giấy ướt giả nhãn hiệu Baby Care của Công ty Việt-Úc. Kiểm tra kho hàng, cơ quan chức năng phát hiện đầy đủ vỏ bao bì, nắp nhựa, thùng cáctông, nguyên liệu khăn giấy ướt chưa thành phẩm. Những thùng khăn giấy giả này được sản xuất hoàn toàn thủ công, tẩm hóa chất thơm, hóa chất bảo quản và không theo tiêu chuẩn. Số khăn ượt giả này đã được bán ra thị trường, nhất là các quận huyện ngoại thành và các tỉnh lân cận Thành phố Hồ Chí Minh. Tìm hiểu về thị trường rượu ngoại ở Tp. Hồ Chí Minh, một cán bộ hải quan ở Thành phố Hồ Chí Minh bật mí “đừng bao giờ mua rượu Tây ở các cửa hàng đại lý bán lẻ ngoài chợ, thậm chí nhiều siêu thị bán các loại rượu ngoại cũng có nguồn gốc ngay ở Việt Nam.” Theo cán bộ hải quan này, mặt hàng rượu tây thường bị làm giả nhiều nhất trong các loại đồ uống, bởi có giá bán cao. Trong khi, cơ quan chức năng không đủ nhân lực, phương tiện kiểm tra chất lượng sản phẩm loại này. Thường những loại rượu đắt tiền từ trên 1.000.000 đồng/chai đến cả chục triệu đồng đều được người bán “quảng cáo” là “hàng xách tay từ nước ngoài về.” Những ngày giáp Tết, sức mua tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống tăng cao, nhất là các mặt hàng như bánh: mứt, rượu bia, nước giải khát. Các đối tượng đều nhắm tới các sản phẩm bánh mứt có thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài Chocopi, Riso, Nansi Godol, bánh kẹo của Bibica, Hải Hà… để làm giả rồi tung ra thị trường. Việc kiểm tra của các cơ quan chức năng sản phẩm có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không là rất khó khăn. Theo ghi nhận, các mặt hàng bánh, mứt dừa, mứt sen hay mứt bí đao đều sử dụng phẩm màu để tẩm ướp, bắt mắt người mua. Tuy nhiên, các loại phẩm công nghiệp này lại chưa được kiểm tra về y tế. Bánh mứt loại này chủ yếu do các cơ sở gia truyền sản xuất. Bên cạnh các mặt hàng trên, giò chả cũng khó kiểm soát về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngày 11/2 vừa qua, cơ quan chức năng quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt quả tang một gia đình ở phường 28, quận Bình Thạnh sản xuất lượng lớn giò chả bán ra thị trường, trong khi không có giấy phép sản xuất, giấy kiểm định an toàn thực phẩm. Cơ quan chức năng đã thu giữ tại hiện trường hơn 300 kg giò chả thành phẩm mang tiêu hủy. Thực tế ở Thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan chức năng khó kiểm soát hết những cơ sở sản xuất giò kiểu này, trong khi vấn đề an toàn thực phẩm là điều mà người dân rất lo ngại. Để tránh mua hàng giả, hàng nhái Bà Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Để tránh mua nhầm hàng gian, hàng giả, nên mua hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hóa đơn chứng từ và có bảo hành theo quy định. Đây chính là cơ sở để khiếu nại, bồi thường khi mua phải hàng kém chất lượng. Theo bà Thu, trên thị trường hiện có nhiều sản phẩm bị làm nhái, làm giả các nhãn hiệu nổi tiếng nước ngoài mà các cơ quan chức năng không thể kiểm soát hết. Những mặt hàng tiêu dùng đắt tiền, có thương hiệu nước ngoài nổi tiếng dễ bị làm giả nhiều. Người tiêu dùng không nên tham rẻ mà mua nhầm hàng nhái, hàng giả, nên chọn các thương hiệu có uy tín trong nước. Kinh nghiệm của bà Thu qua nhiều năm tiếp nhận ý kiến khiếu nại của người tiêu dùng cho thấy, hiện, các trung tâm mua sắm lớn, siêu thị uy tín là nơi mà các đối tượng làm hàng giả, hàng nhái tìm cách tuồn hàng vào tiêu thụ. Các trung tâm thương mại, siêu thị cũng khó kiểm soát được hết vấn đề này, nhất là các mặt hàng tiêu dùng như khăn giấy ướt, giấy vệ sinh, hóa mỹ phẩm… Đúng như lời bà Thu, đầu tháng 10/2014, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã phải thông báo tới hệ thống siêu thị trên toàn quốc rút các sản phẩm nước tẩy rửa mang nhãn hiệu Mr.Care vì không đảm bảo chất lượng, nhãn mác, xuất xứ không rõ ràng. Ngoài việc bán trong hệ thống Co.op, các sản phẩm mang nhãn hiệu Mr.Care còn bày bán tại hệ thông siêu thị khác và đặc biệt là các chợ lớn ở Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Lê Quang Được, Tổng giám đốc Công ty Việt-Úc chia sẻ với người tiêu dùng về việc nhận biết sản phẩm thật và giả đối với khăn giấy ướt: Sản phẩm thật của Baby Care được sản xuất, đóng gói hoàn toàn bằng máy tự động. Mỗi bao bì thành phẩm được đóng gói tinh xảo, miệng trên, miệng dưới hàn kín, đều nhau. Trong khi đó, hàng giả, hàng nhái do đóng gói, hàn miệng bằng tay, nên bao bì thành phẩm thường bị 2 nếp gấp sắc cạnh, kéo dài, miệng trên, miệng dưới không đều nhau. Bên cạnh đó, địa chỉ, nơi sản xuất thường ghi chung chung, không rõ ràng./.