Dự án cải tạo kênh Tân Hóa – Lò Gốm hoàn thành vượt tiến độ hơn nửa năm.
Những công trình vượt tiến độ
Mới đây nhất là “Dự án Cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm” vừa được UBND TP.HCM và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Lễ khánh thành. Đây là công trình nổi bật mà TP.HCM nỗ lực hoàn thành để chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 162 triệu USD (tương đương gần 2.000 tỷ đồng), trong đó gần 130 triệu USD do WB tài trợ. Đây là công trình vượt tiến độ hơn nửa năm và đã giải quyết được nhiều bài toán hạ tầng đô thị cho TP.HCM trong thời điểm hiện tại. Dự án được kỳ vọng sẽ cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng của dòng kênh Tân Hóa - Lò Gốm và xử lý triệt để tình trạng ngập do triều cường cho khu vực 4 quận (11, 6, Tân Phú và Tân Bình).
Cùng với đó Trung tâm nghệ thuật cải lương Trần Hưng Đạo sẽ được khánh thành ngày 18/4. Đây là nơi gìn giữ, phát triển loại hình nghệ thuật cải lương truyền thống; nơi quy tụ, đào tạo đội ngũ nghệ sỹ cải lương với 5 tầng, có tổng diện tích trên 6.300 m2, tổng kinh phí xây dựng 132,29 tỷ đồng. Công trình gồm khán phòng biểu diễn chính có sức chứa 634 chỗ ngồi; khán phòng sân khấu thể nghiệm 298 chỗ; khu vực đào tạo, làm việc, thư viện và khu vực sản xuất băng đĩa.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ, công trình đáng mong đợi nhất của người dân thành phố đang vào giai đoạn nước rút để có thể bàn giao công trình vào ngày 20/4 để vận hành và kiểm tra. Phố đi bộ Nguyễn Huệ dài 670m, rộng 64m, hiện nay đã hoàn thành cơ bản các hạng mục.
Nhiều công trình mang dấu son lịch sử
Tiêu biểu là công trình bia tưởng niệm Chiến sĩ Biệt động Sài Gòn trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Dinh Độc Lập ngày 28/4. Bia tưởng niệm có hình tượng đốt tre (tượng trưng cho Dinh Độc Lập), kích thước: ngang 2,7 m, cao 4,5 m, lư hương bằng đá granit, tổng kinh phí 1,5 tỉ đồng từ nguồn ngân sách TP. Nội dung khắc trên bia dự kiến: “Nơi đây ghi dấu chiến công oanh liệt của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn - Gia Định trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968...
Ngoài ra các công trình Nhà bia liên minh các lực lượng Dân tộc - Dân chủ - Hòa bình Việt Nam; khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định; khu tưởng niệm cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; công viên - bia tưởng niệm các liệt sĩ chiến đấu, bảo vệ cầu Rạch Chiếc trong chiến dịch Hồ Chí Minh cũng được đưa vào sử dụng trước ngày 30/4.
Cùng với việc khánh thành, TP HCM sẽ tổ chức khởi công một loạt các công trình khác để chào mừng ngày lễ lớn của đất nước gồm: Công trình tượng đài "Asean Hòa bình - Hợp tác - Phát triển"; đền thờ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh; cầu vượt thép tại nút giao ngã 6 Gò Vấp; nâng cấp đường Lương Định Của (quận 2; đoạn từ Trần Não đến Nguyễn Thị Định); công trình xây dựng bệnh viên Ung Bướu (cơ sở 2) tại quận 9.