Ông Lê Hoàng Quân - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh |
Ông có thể cho biết vài nét về sự phát triển kinh tế của TP.Hồ Chí Minh trong 40 năm qua?
Sau 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đặc biệt là chặng đường 30 năm đổi mới, TP.Hồ Chí Minh đã có những biến đổi sâu sắc, toàn diện trên tất cả lĩnh vực.
Kinh tế không ngừng tăng trưởng, đóng vai trò là đầu tàu, động lực phát triển của cả nước. Từ mức tăng GDP bình quân 2,7%/năm trong giai đoạn 1976- 1985, bước sang giai đoạn đổi mới, nhiều năm liền tăng trưởng kinh tế của thành phố duy trì tốc độ bình quân từ 10- 12%/năm, cao hơn 1,5 lần so với cả nước. Đặc biệt giai đoạn 2011- 2015, tuy bị tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới nhưng GDP của thành phố ước tăng bình quân 9,6%/năm, gấp 1,66 lần mức tăng bình quân cả nước. Thành phố đóng góp 21% GDP của cả nước, 30% nguồn thu ngân sách quốc gia và là một trong những địa phương thu hút đầu tư lớn của cả nước. Hiện nay trên địa bàn thành phố có trên 238.000 doanh nghiệp, 250.000 hộ kinh doanh cá thể hoạt động sản xuất - kinh doanh nhiều ngành nghề; hơn 5.330 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư khoảng 36,6 tỷ USD (chiếm 1/3 tổng số dự án FDI, 1/4 tổng mức vốn đăng ký của cả nước).
Nhìn chung, sự phát triển kinh tế của thành phố trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước thông qua các hoạt động đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, cung cấp lực lượng lao động, sản phẩm hàng hóa đầu vào…
Công tác quản lý và phát triển đô thị tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội được cải thiện, phục vụ tốt hơn cho phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, giai đoạn 2011- 2015, thành phố hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông trọng điểm, làm mới trên 330 km đường và hơn 70 cây cầu… Các công trình tiêu biểu như: Đường Nguyễn Văn Linh, đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh- Trung Lương, đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh- Long Thành- Dầu Giây, cầu Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn 2, đường Võ Văn Kiệt- Mai Chí Thọ, hầm vượt sông Sài Gòn, đường Phạm Văn Đồng… Hiện nay, thành phố đang xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành- Suối Tiên (dự kiến đưa vào khai thác năm 2020), tuyến đường sắt đô thị Bến Thành- Tham Lương (dự kiến hoàn thành năm 2022)...
Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng |
Bên cạnh những kết quả đạt được, TP.Hồ Chí Minh cũng phải đối diện với những thách thức của một đô thị lớn đang phát triển. Xin ông cho biết thời gian tới, thành phố có những giải pháp nào hướng tới mục tiêu phát triển bền vững?
Phải thẳng thắn nhìn nhận thành phố vẫn còn tồn tại một số khó khăn, thách thức và yếu kém. Tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với vị trí, vai trò của thành phố, cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế chuyển dịch còn chậm, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa cao. Đặc biệt, hiện nay thành phố phải đối diện với những vấn đề phức tạp của một đô thị lớn đang phát triển và có tốc độ tăng dân số cơ học nhanh như: Quy hoạch và quản lý đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển; cơ sở hạ tầng ngày càng quá tải, bất cập; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao…
Do đó, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn liền với phát triển bền vững; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, chủ động phòng ngừa lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội; ưu tiên đầu tư các chương trình hạ tầng kinh tế- xã hội trọng điểm, mang tính đột phá; tập trung chăm lo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...
Xuất phát từ thực tiễn trong công tác lãnh đạo, điều hành, kết hợp với tính năng động, sáng tạo, chính quyền thành phố đã đề xuất nhiều cơ chế, chính sách, đóng góp vào quá trình hình thành, hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng một cách sáng tạo. |
Thành phố đã phát huy tính năng động, sáng tạo như thế nào để phục vụ cho giai đoạn phát triển mới, nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực ASEAN và thế giới, thưa ông?
Có thể khẳng định, TP.Hồ Chí Minh không thể phát triển nhanh nếu không có những đột phá, sáng tạo. Xuất phát từ thực tiễn trong công tác lãnh đạo, điều hành, kết hợp với tính năng động, sáng tạo, chính quyền thành phố đã đề xuất nhiều cơ chế, chính sách, đóng góp vào quá trình hình thành, hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng một cách sáng tạo; một số mô hình hiệu quả đã được nhân rộng cả nước như: Phát triển khu vực kinh tế tư nhân theo khuôn khổ pháp lý; hình thành nền sản xuất hàng hóa với nhiều thành phần kinh tế tham gia; xây dựng các khu chế xuất- khu công nghiệp tập trung (Tân Thuận là KCX đầu tiên tại Việt Nam được thành lập năm 1991); thực hiện các chương trình bình ổn thị trường, chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp, chương trình an sinh xã hội…
Trong giai đoạn tới, thành phố sẽ tập trung khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; tiếp tục thúc đẩy phát triển các nhóm ngành dịch vụ đạt chất lượng, hiệu quả; phát triển 4 ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học- công nghệ và giá trị gia tăng cao (cơ khí; điện tử- công nghệ thông tin; hóa dược- cao su; chế biến tinh lương thực, thực phẩm), phát triển công nghiệp hỗ trợ; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, chú trọng thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và bảo vệ môi trường; tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, lãng phí...
Trân trọng cảm ơn ông!