TP.Hồ Chí Minh: Tăng cường giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm
TP.Hồ Chí Minh tăng cường kiểm soát tốt nguồn hàng thực phẩm Ảnh: Như Ý |
Vi phạm ngày càng tăng
TP.Hồ Chí Minh hiện có 20.038 cơ sở thức ăn đường phố, tăng 22% so với cùng kỳ, trong đó có 16.125 cơ sở đã được kiểm tra, tỷ lệ vi phạm khoảng 50%. Theo UBND thành phố, số lượt thanh kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) năm 2014 tăng cả về số vụ lẫn số tiền phạt, điều đó thể hiện sự kiên quyết của các sở, ngành.
Ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh - cho rằng, việc chủ động ký kết với 22 tỉnh đã giúp thành phố góp phần kiểm soát tốt nguồn nông sản, thực phẩm từ khâu nuôi trồng, lưu thông, tiêu thụ trên địa bàn mỗi tháng. Tuy vậy, với 20 - 25% lượng nông sản, thực phẩm tự cung ứng thì tỷ lệ được trồng trọt, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP còn hạn chế.
Công tác quản lý ATVSTP trên địa bàn còn nhiều khó khăn do thiếu nhân lực có chuyên môn và trang thiết bị. Đặc biệt, đối với sản phẩm rau quả, thủy sản, hiện chưa quy định về giấy chứng nhận kiểm dịch đi kèm lô hàng nên việc truy nguồn gốc, xuất xứ khó thực hiện. Bộ test (kiểm tra) nhanh rau quả chỉ cho kết quả bước đầu, để xác định có bị xử lý vi phạm hay không phải đợi 2 - 3 ngày sau mới có kết quả kiểm nghiệm và khi đó, hàng hóa đã được phân phối hết.
Liên quan đến vấn đề hàng hóa, thực phẩm dịp Tết, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - cho biết, Bộ đã có văn bản yêu cầu các Sở Công Thương bảo đảm nguồn cung và bình ổn giá. Thứ trưởng lưu ý, cần xây dựng các chợ thí điểm mô hình chợ ATVSTP, đồng thời sớm nhân rộng mô hình này. Bộ phân cấp cho Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở trên địa bàn.
Năm 2014, Bộ Công Thương đã phát hiện và xử phạt gần 59.000 vụ vi phạm, tăng hơn 1.000 vụ so với năm 2013, xử phạt hơn 124 tỷ đồng; TP.Hồ Chí Minh đã kiểm tra hơn 600 cơ sở kinh doanh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: "Chúng ta làm mạnh nhưng không gây khó cho người dân nuôi trồng, buôn bán; phải làm từ từ để tạo thói quen mới cho họ, tiến tới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, cần phải có lộ trình. Việc xử lý vi phạm còn vướng nhiều vấn đề như các đồng chí đưa ra, là còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, đề nghị chúng ta sớm hoàn thiện dự thảo trong thời gian sắp tới”. |
Tự trói tay mình
Hiện có nhiều quy định bất cập khiến người thực thi công vụ như bị “bó tay”. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải dẫn chứng quy định người đi lấy mẫu kiểm tra phải có chứng chỉ chuyên môn của Bộ Y tế cấp nhưng số lượng này không nhiều, chủ yếu chỉ cán bộ ngành y mới có.
“Đối tượng vi phạm mà cắc cớ đòi kiểm tra chứng chỉ lấy mẫu của nhân viên quản lý thị trường thì coi như chúng tôi thua” - Thứ trưởng Hải nêu vấn đề.
Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an TP.Hồ Chí Minh - nhìn nhận, nếu chiếu theo quy định trên thì lâu nay ngành công an đã làm sai vì “chẳng anh em nào có cái giấy chứng chỉ đó cả”…
Xử lý vướng mắc này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu phương thức tập huấn và phân cấp cho các ngành, địa phương cấp chứng chỉ chuyên môn cho lực lượng chức năng.
“Để lực lượng công chức chú tâm làm nhiệm vụ quản lý nhà nước, việc kiểm định ATVSTP và chất lượng hàng hóa có thể để cho một tổ chức, đơn vị độc lập đứng ra làm theo hình thức xã hội hóa. Chúng ta cần mạnh dạn làm theo hướng này” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng, ông Lê Hoàng Quân- Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh giao Sở Công Thương chịu trách nhiệm, khẩn trương xây dựng 3 phòng thí nghiệm tại 3 chợ đầu mối, chậm nhất trong quý II/2014 phải xong.