Các vị cao niên phường Lộc Vượng (Nam Định) thực hiện nghi thức khai ấn. Ảnh: Thế Duyệt.
CôngThương - Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, không thể tránh được việc phát ấn và cũng không nên cấm phát ấn, bởi việc phát ấn đã trở thành một nhu cầu của một bộ phận nhân dân khi đi lễ đầu năm.
Theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, những bất cập trong Lễ Khai ấn đền Trần ở Nam Định là do những hiểu biết chưa đúng về giá trị của ấn và Lễ Khai ấn đền Trần, nhiều người đã gắn cho lá ấn đền Trần những giá trị “ảo” mà bản thân nó không có. Chính vì vậy, để từng bước giải quyết tình trạng này, vấn đề quan trọng là nâng cao nhận thức giá trị di sản, về ấn Đền Trần, khắc phục những hiểu biết chưa rõ về giá trị của ấn để người dân và du khách thập phương hiểu rõ giá trị đích thực, không bị ngộ nhận, hiểu nhầm về giá trị của lá ấn.
Nguồn gốc lễ khai ấn
Theo tham luận tại Hội thảo khoa học “Mô hình tổ chức, quản lý lễ hội Đền Trần Nam Định năm 2012” của ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc bảo tàng tỉnh Nam Định, thì cho đến nay, tuy chưa phát hiện được tài liệu, sử sách nào ghi chép cụ thể về nguồn gốc lịch sử của Lễ Khai ấn đền Trần, nhưng thực tế đây là một tục lệ cổ truyền đã được nhân dân làng Tức Mặc gìn giữ, duy trì qua nhiều thế hệ. Việc khảo sát, nghiên cứu về lễ khai ấn được căn cứ vào lời kể, truyền thuyết của nhân dân làng Tức Mặc, đặc biệt là lời kể của các cụ cao niên, các cụ thủ từ, các nhà nghiên cứu ở địa phương, qua sự khẳng định của các thế hệ lãnh đạo bảo tàng và Ban quản lý di tích danh thắng (kể từ khi đền Thiên Trường và đền Cố Trạch được xếp hạng cấp Quốc gia năm 1962) đều khẳng định đã từng chứng kiến Lễ Khai ấn do dân làng Tức Mặc tổ chức. Tại hồ sơ di tích đền Thiên Trường, đến Cố Trạch do Bảo tàng Nam Hà lập năm 1996 (hiện đang lưu giữ tại bảo tàng Nam Định và Cục Di sản văn hóa) cũng đã mô tả về Lễ Khai ấn và phát ấn tại đền Trần vào đêm 14, rạng ngày 15 tháng Giêng hàng năm.
Theo truyền thuyết địa phương và các bài viết của các nhà nghiên cứu ở địa phương thì trước kia quả ấn dùng để khai ấn đền Trần có nội dung “Trần triều Quốc bảo” hay “Trần triều chi bảo”, chất liệu bằng đồng, nhưng do chiến tranh loạn lạc nên đã bị thất lạc, nhân dân địa phương mới khắc lại ấn triện bằng gỗ có nội dung “Trần miếu tự điển” để khai ấn như hiện nay. Năm 2008, ngành Văn hóa Nam Định đã phát hiện được ấn triện “Trần triều Quốc bảo” tại điện Văn Lộc, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc (Nam Định), ấn triện này đã được Hội đồng giám định kết luận là ấn triện bằng gỗ có niên đại cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, như vậy thông tin về việc đã từng tồn tại một quả ấn có nội dung “Trần triều Quốc bảo” là có cơ sở.
Từ những thông tin trên cùng với lịch sử hình thành di tích, các nhà khoa học Nam Định đã nhận định Lễ khai ấn đền Trần là một tục có từ lâu, nhưng có thể xuất hiện hay phục hồi sớm nhất vào thời Lê niên hiệu Chính Hòa (1680-1705) hoặc dưới thời Nguyễn niên hiệu Minh Mệnh (1820-1840) và phát triển trong các giai đoạn sau.
Nghi thức và ý nghĩa lễ Khai ấn
Theo bản tham luận của ông Nguyễn Văn Thư, nghi lễ tổ chức Lễ Khai ấn đầu xuân tại đền Trần diễn ra vào giờ Tý đêm 14 rạng ngày 15 tháng Giêng. Rằm tháng Giêng là Tết Nguyên tiêu, là tuần trăng đầu tiên của một năm. Theo tư duy của cư dân nông nghiệp lúa nước thì ngày này có ảnh hưởng đến công việc của cả năm… Với tư duy như vậy nên lễ Khai ấn đầu xuân có ý nghĩa chấm dứt những ngày nghỉ Tết, bắt đầu công việc của một năm mới.
Trước kia, lễ Khai ấn chỉ diễn ra trong phạm vi làng Tức Mặc, số người tham dự ít, vì vậy các lá ấn được phát ngay tại buổi lễ và phát cho ai có nhu cầu mang về nhà như một món lộc đầu xuân để cầu may. Những năm gần đây, do lượng khách tham dự và có nhu cầu xin lá ấn quá đông, các lá ấn được đóng dấu từ trước, đựng trong hòm gỗ sơn son. Khi tiến hành lễ Khai ấn, các hòm ấn được dâng lên ban thờ các vua, việc khai ấn chỉ đóng một số lá mang tính tượng trưng, sau đó hòm ấn được chuyển ra ngoài phát cho du khách.
Cũng nói về ý nghĩa của việc khai ấn đền Trần, PGS.TS Trần Đức Minh, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Nam Định cho rằng, tục khai ấn đầu xuân hàng năm ở đền Trần có từ rất lâu đời và ngày càng trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mang tính truyền thống, đậm tính nhân văn cao cả, cầu cho quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa, dân cư no ấm... người được nhận ấn mang về nhà với niềm tin năm mới gặp nhiều điều tốt, nhiều may mắn...
Ông Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho biết, qua quá trình tham vấn ý kiến của nhiều nhà khoa học cho thấy, lá ấn tại Đền Trần chỉ có tính chất cầu an, hoàn toàn không có giá trị thăng quan tiến chức như quan niệm trước đây. Để lễ hội Khai ấn đền Trần đi vào trật tự, các phương tiện truyền thông cũng như ban quản lý di tích cần tăng cường giải thích, tuyên truyền cho người dân biết được những giá trị đích thực của lễ khai ấn và việc phát ấn đền Trần đồng thời, đưa tin về phương án phát ấn mới, để người dân biết việc phát ấn sẽ được kéo dài, bảo đảm các nhu cầu tâm linh của người dân…