Lô vải tươi Việt Nam đầu tiên đã cập bến Nhật Bản Chuối Việt chính thức lên kệ tại chuỗi siêu thị Lotte Mart ở Hàn Quốc |
Mới đây, những lô vải thiều tươi đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đã được tiêu thụ rất tốt ở các siêu thị bán lẻ. Một doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cho biết, giá bán lẻ vải thiều tại Nhật Bản sau khi cộng thuế và các khoản phí lên tới 8 - 12 USD/kg, tương đương 180.000 - 270.000 đồng/kg.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, năm nay dự kiến khoảng gần 200 tấn vải thiều tươi sẽ xuất khẩu thành công vào thị trường Nhật trong năm nay. Thương vụ đã và đang phối hợp với một số đầu mối nhập khẩu của Việt Nam như: AEON, VIENT Corporation, Yufruit, Sunrise Farm… và đầu mối xuất khẩu của Việt Nam như: Công ty Red Dragon, Chánh Thu, Ameii… để xúc tiến xuất khẩu các lô hàng vải thiều sang Nhật Bản trong vụ mùa năm nay. Tại Nhật Bản, quả vải được Hiệp hội Nhập khẩu hoa quả của Nhật Bản giới thiệu như là một loại quả có giá trị. Đây là một loại quả quý do số lượng bán ra thị trường rất ít, được trồng chủ yếu tại Okinawa và Kagoshima.
Ông Nguyễn Khắc Tiến - Giám đốc Công ty cổ phần Ameii - một trong bốn đơn vị chịu trách nhiệm xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản - cho biết, thị trường Nhật Bản đón nhận rất tốt quả vải thiều Việt Nam. Các đối tác của công ty cho biết, gần như không còn vải thiều tồn kho sau một ngày bày bán tại các siêu thị.
Vải thiều Bắc Giang đã có mặt tại thị trường Nhật Bản |
Trước đó, sáng ngày 16/6/2020, tại tổ hợp siêu thị Lotte Mart gần Ga trung tâm Seoul, nơi có mật độ người đi lại đông nhất Hàn Quốc, Công ty Lotte Mart đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức sự kiện giới thiệu sản phẩm chuối Việt Nam phân phối tại chuỗi siêu thị Lotte trên toàn Hàn Quốc. Đây là sự xuất hiện chính thức lần đầu tiên của chuối Việt Nam tại thị trường bán lẻ Hàn Quốc.
Trước đó, từ năm 2014, chuối Việt Nam đã bắt đầu được xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc. Tuy nhiên chỉ mang tính chất thử nghiệm, thăm dò thị trường nên chuối Việt Nam thời điểm đó chưa được đưa vào các hệ thống siêu thị lớn như Lotte Mart.
Thương vụ Việt Nam Hàn Quốc cho hay, những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu chuối của Việt Nam sang Hàn Quốc có sự chuyển biến đáng kể. Nếu như năm 2015, Việt Nam chỉ xuất được khoảng 180 tấn chuối với giá trị 132.000 USD thì đến hết năm 2019 khối lượng xuất khẩu đã tăng lên 6.685 tấn, đạt 4,2 triệu USD. Có được kết quả tích cực trên là trong thời gian qua các DN Việt Nam đã tích cực phối hợp với DN Hàn Quốc và Thương vụ nghiên cứu, cải thiện giống chuối, quy trình trồng, thu hoạch, bảo quản và đóng gói sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Hàn Quốc.
Có lẽ, đây là những thông tin rất tích cực và đáng tự hào của trái cây Việt nói riêng và nông sản nói chung, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến đầu ra của nhiều nông sản, trái cây gặp khó.
Việt Nam đang mong muốn là nơi cung cấp hậu cần cho thế giới. Làm nông nghiệp theo tư duy công nghiệp tại Việt Nam đang dần hiện hữu. Để làm được điều này, ngành nông nghiệp đang hướng tới xây dựng hệ thống chuỗi giá trị liên kết giữa các mắt xích với nhau. Đặc biệt, là việc xây dựng được những vùng nguyên liệu sản xuất gắn với số hóa có thể truy xuất được nguồn gốc, thay đổi tư duy làm nông nghiệp một cách thô sơ của người nông dân.
Đáng chú ý, DN lớn đang đi đầu trong vấn đề chuẩn hóa quy trình. Ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T- cho biết, không chỉ T&T mà nhiều DN khác đang đẩy mạnh xây dựng những vùng nguyên liệu. Tạo ra sản phẩm sạch, tạo hướng đi riêng để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng trong nước, đồng thời đây cũng là nền tảng để các DN có thể xuất khẩu với giá trị cao sang nhiều thị trường thế giới.
Theo ông Tùng, người nông dân nhận thấy khi làm ăn với DN giúp giảm thiểu rủi ro, thậm chí không có rủi ro. Người dân từ đó nhận thấy nên làm và trồng thế nào. Từ đó, chúng ta có được nền nông nghiệp có thể xuất khẩu sang các thị trường lớn, thị trường khó tính, cạnh tranh tốt tại thị trường trong nước.
TS. Đặng Kim Sơn - chuyên gia về nông nghiệp - nhận định, thị trường nông sản vẫn có nhu cầu rất cao và khả năng tăng nhanh trong thời gian tới. Vấn đề là làm thế nào để duy trì sức sản xuất của DN và nông dân liên kết với DN vượt qua được thời điểm nguy nan này, có thể kịp thời khôi phục sức sản xuất và kinh doanh ngay khi dịch bệnh kết thúc trên thế giới.
Cùng với việc xuất khẩu trái cây tươi, TS. Đặng Kim Sơn khuyến nghị các DN cần tập trung đầu tư xây dựng liên kết giữa các nhà máy chế biến, các DN kinh doanh với nông dân sản xuất tại các vùng nguyên liệu để đảm bảo chất lượng trên cơ sở áp dụng kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao sẽ là giải pháp chiến lược, tạo sức cạnh tranh cao, kịp thời chiếm lĩnh thị trường trong thời gian tới.