CôngThương - Do giá bông thế giới tăng cao, ở Tây nguyên đang xảy ra tình trạng nông dân lén đem bông hạt bán cho thương lái, còn công ty bông phải cắt cử người canh chừng, có được ký bông nào đều mua ngay.
Thương lái tranh mua bông đến từ nhiều nơi như Nha Trang, Bình Dương, Bình Phước..., còn bên bị tranh mua là Công ty CP Bông Tây nguyên - đơn vị đã ký hợp đồng đầu tư sản xuất và thu mua nguyên liệu bông với hàng chục nghìn hộ nông dân trên địa bàn.
Vẫn phải nhập bông
Theo chương trình phát triển cây bông vải Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Công ty CP Bông Tây nguyên đã xây dựng kế hoạch phát triển diện tích cây bông vải trên địa bàn hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.
Theo đó, chỉ tiêu phát triển diện tích cây bông vải đến năm 2020 trên cả nước là 76.000ha, sản lượng bông xơ khoảng 60.000 tấn/năm. Tuy nhiên, nếu đạt được cũng chỉ đáp ứng 60% nhu cầu cho ngành dệt may trong nước, còn lại phải nhập sợi nguyên liệu từ nước ngoài.
Phá hợp đồng
Cũng như những năm trước, vụ bông năm 2010, sau khi ký hợp đồng đầu tư và thu mua bông, Công ty CP Bông Tây nguyên đã cử cán bộ khuyến nông hướng dẫn nông dân quy trình sản xuất bông, ứng trước giống, phân bón...với chi phí ban đầu 1,5-2,2 triệu đồng/ha.
Công ty cũng bao tiêu toàn bộ bông hạt với giá được thông báo từ đầu vụ là 11.500 đồng/kg. Ngược lại, người trồng bông phải cam kết chăm sóc cây bông đúng kỹ thuật, không bán sản phẩm cho nơi khác, trả đủ tiền vật tư ứng trước cho công ty sau khi bán sản phẩm.
Tuy nhiên, đến khi thu hoạch, không ít nông dân đã phá hợp đồng. Hiện ở huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’Gar (Đắk Lắk), Cư Jút, Đăk Min (Đắk Nông) nhiều người trồng bông đã nhận vốn đầu tư từ Công ty CP Bông Tây nguyên vẫn lén lút bán bông hạt cho thương lái với giá cao hơn giá công ty đã thông báo 1.000-2.000 đồng/kg.
Theo ông Hồ Đăng Phú - giám đốc Công ty CP Bông Tây nguyên, việc này ảnh hưởng xấu đến sản lượng bông của công ty. Dự kiến trong niên vụ 2010, sản lượng bông hạt mà nông dân bán cho thương lái tăng lên 700-800 tấn trên tổng sản lượng ước đạt gần 3.000 tấn. Ông Phú cho rằng “rủi ro” này doanh nghiệp gánh chịu. Còn với nông dân, dù có ký hợp đồng nhưng khi họ vi phạm hợp đồng, tâm lý chung của doanh nghiệp là không muốn “kiện” nông dân nên tư thương tranh thủ để tranh mua bông.
“Xã chỉ là người chứng kiến”
Còn theo ông Nguyễn Tất Phong - phó chủ tịch UBND xã Ea Wer (Buôn Đôn, Đắk Lắk), nguyên nhân khiến người dân không bán bông cho Công ty CP Bông Tây nguyên theo như hợp đồng là do phía công ty chậm mua hoặc chậm thanh toán tiền cho người dân. Ông Phong nói những vụ bông trước dù giá bông cao hay thấp, tại địa phương vẫn xảy ra tình trạng người dân phá vỡ hợp đồng đã ký với công ty, bán cho thương lái.
Về phía UBND xã, xã không phải là bên đại diện đứng ra ký hợp đồng với công ty bông mà chỉ là “người chứng kiến”, hỗ trợ công ty và giám sát nông dân thực hiện theo cam kết đã ký, thường xuyên kiểm tra để đảm bảo quyền lợi cho đôi bên.
Trong khi đó bà Nguyễn Thị Như Mai (thôn 9, xã Tân Hòa, Buôn Đôn, Đắk Lắk) cho biết vụ bông này gia đình bà trồng hơn 3 sào. Do giá bông tăng nên công ty đã tăng giá mua bông lên 14.000 đồng/kg, cao hơn giá đã thông báo khi đầu vụ, vì thế thu hoạch được mẻ bông nào bà đều bán cho công ty. Theo bà Mai, “mình đã lấy giống và phân bón của người ta rồi, ngày nào người của công ty cũng xuống thôn kiểm tra để xem bông chín hay chưa, tới ngày hái là công ty mua hết”.
Trước thực trạng bị tranh mua sản phẩm đã đầu tư, Công ty CP Bông Tây nguyên đã kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk “cầm cân nảy mực” cho các bên thực hiện nghiêm túc hợp đồng sản xuất và tiêu thụ bông, tránh thiệt hại cho doanh nghiệp và nông dân. Công ty cũng kiến nghị chính quyền, nhất là cấp xã, phối hợp chặt chẽ để quản lý và tổ chức tốt việc mua bông, thu hồi nợ đầu tư cũng như xử lý các cá nhân, tổ chức tranh mua bông hạt mà công đã ký hợp đồng sản xuất với hộ nông dân trồng bông.