Du khách phải tìm hiểu kỹ các dịch vụ kèm theo mà doanh nghiệp đưa ra, tránh tour chất lượng không đảm bảo.
CôngThương - Trước làn sóng du khách có nhu cầu tham quan nước ngoài càng nhiều, các công ty lữ hành trong nước đã liên tục “bắt tay” cùng các hãng hàng không tung ra hàng loạt chương trình chiêu thị, kích cầu với mức giá được xem là chạm đáy và hấp dẫn nhất từ trước đến nay. Như Vietravel đang kết hợp các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air… tung ra chương trình giảm giá tour trong nước với rất nhiều tuyến hấp dẫn như: Chương trình tour Nha Trang – Vinpearl Resort 5 sao trong thời gian 3 ngày - 2 đêm. Đây là tour phối hợp giữa Vietravel, Vietnam Airlines và Vinpearl tung ra giảm 2.700.000 đồng. Bên cạnh đó còn có 2 chương trình tour kích cầu do Vietravel phối hợp cùng VietJet Air triển khai đối với tour miền Bắc khởi hành từ đầu TP. Hồ Chí Minh như tour Tây Bắc mùa hoa cải trắng, theo tuyến Hà Nội - Sapa - Lao Chải - Tả Van - Điện Biên - Sơn La - Mộc Châu trong thời gian 6 ngày, giá tour giảm đến 3.500.000 đồng/khách.
Với tour trong nước, các hãng lữ hành cũng đồng loạt chạy đua với mức giá hấp dẫn dành cho khách hàng. Như với tour Hà Nội - Yên Tử - Hạ Long - Sapa - Đền Đô - Chùa Hương với hành trình 6 ngày, giảm giá đến 3.400.000 đồng/khách. Giá tour chỉ còn 10.290.000 đồng/khách. Ngoai ra, trên các website du lịch còn đưa ra nhiều chương trình tour bằng cách mua phiếu giảm giá của những resort, khách sạn tại các điểm du lịch ưa thích với mức giá ưu đãi từ 30 - 50% so với giá gốc.
Ông Nguyễn Minh Mẫn- Trưởng phòng Tiếp thị Vietravel - cho biết, để có mức giá hấp dẫn trên, một phần là dựa vào năng lực của các công ty lữ hành, các hãng hàng không, khách sạn để có liên kết nhằm gia tăng lượt khách vào mùa du lịch cuối năm. Các hãng lữ hành lớn thường có lợi thế trong việc liên kết với các đối tác trong đó có hàng không với mức giá ưu đãi mà khách lẻ khó có thể mua được khi đi du lịch tự túc. Do đó, ông Mẫn cho rằng, đây chính là thời điểm mua tour có lợi nhất, do tour trọn gói đã bao gồm tất cả các dịch vụ từ nhà hàng, khách sạn, hướng dẫn viên, bảo hiểm du lịch và sự đảm bảo về giờ giấc ăn uống, nghỉ ngơi cho cả hành trình “đi đến nơi – về đến chốn”, trong khi nếu du lịch “bụi” kiểu Tây ba lô tuy giá có rẻ hơn nhưng chắc chắn chất lượng dịch vụ không thể đạt tiêu chuẩn từ 4 sao và ngay khu trung tâm như các công ty lớn đang triển khai hiện này.
Tuy nhiên, trong thời điểm làm ăn khó khăn, chỉ vì sức ép kinh doanh mà không ít doanh nghiệp đã cài bẫy khách hàng bằng chiêu bài giám giá sốc, nhiều ưu đãi nhưng chất lượng lại không như cam kết. Như để có được tour giá rẻ, nhiều công ty lữ hành đã thiết kế tour khởi hành vào chiều tối và ngày về phải trả phòng từ sáng sớm, những tour như vậy khách bị thiệt gần 2 ngày. Nhiều DN còn nhập nhằng theo kiểu cho du khách đến điểm tham quan theo đúng lịch trình, nhưng dịch vụ kèm theo đều phải do khách tự chi trả.
Theo ông Mẫn, trong lĩnh vực dịch vụ nói chung và du lịch nói riêng, mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng trở nên gay gắt và khốc liệt hơn bao giờ hết. Bên cạnh các thương hiệu lớn đã khẳng định được chỗ đứng và giá trị trên thương trường trong nước và khu vực, còn có một lớp sóng nhỏ của những doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành nhỏ hơn ngay phía sau lưng, luôn sẵn sàng sử dụng mọi hình thức cạnh tranh về giá để “hút” khách. Dĩ nhiên giá thành sẽ song hành cùng chất lượng. Trong điều kiện sản phẩm tour, tuyến đều “na ná”, đôi khi khá giống nhau, vì vậy khách hàng càng khó phân biệt khoảng cách giữa cạnh tranh nhằm mang lại lợi ích khách hàng với việc “cất giấu” những “tiểu tiết” về chất lượng ăn, vị trí khách sạn, tiêu chuẩn sao, tiền tip… để du khách mất cảnh giác vì “giá công bố” rất rẻ nhưng nếu cộng lại tất cả chi tiết không bao gồm trên đôi khi du khách đang phải mua một sản phẩm chất lượng trung bình nhưng giá cao.
Do đó, để tránh mua phải tour chất lượng, bà Dương Mai Lan, Trưởng phòng Kế hoạch - Phát triển Vietravel tại Hà Nội khuyến cáo, du khách phải tìm hiểu kỹ các dịch vụ kèm theo mà doanh nghiệp đưa ra, cũng như lịch trình cụ thể để có thể so sánh về tiêu chuẩn. Đặc biệt, nếu đặt mua phòng khách sạn thông qua mạng intenet nên tìm hiểu trước thông tin chính thức từ khách sạn, sau đó so sánh giữa hai mức giá để lựa chọn. Kinh nghiệm của những người chuyên làm du lịch và du khách hay đi du lịch, không nên quá chú tâm so sánh giá cả, bởi các công ty lữ hành có uy tín có xu hướng không cạnh tranh bằng giá mà bằng chất lượng.