Trao đổi thương mại Việt Nam - Bangladesh hướng tới mục tiêu 2 tỷ USD
Tin hoạt động 27/12/2019 17:47
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam - Cao Quốc Hưng và Thứ trưởng Bộ Thương mại Bangladesh – Jafar Uddin đồng thuận đánh giá, quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước thời gian vừa qua đã có những bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, thực tiễn kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Kỳ họp thứ 2 Tiểu Ban thương mại Việt Nam - Bangladesh, tại Hà Nội |
Số liệu thống kê của Bộ Công Thương Việt Nam cho thấy, tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Bangladesh năm 2018 mới đạt khoảng 810 triệu USD, giảm khoảng 10% so với 2017; trong 11 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương giữa hai nước mới đạt khoảng trên 700 triệu USD, trong đó Việt Nam nhập khẩu từ Bangladesh khoảng 64 triệu USD, các mặt hàng chủ yếu là dược phẩm, hải sản, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy…; xuất khẩu sang Bangladesh trị giá 647 triệu USD, chủ yếu là các mặt hàng clanh-ke, xi măng, hàng dệt may, da giầy…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam - Cao Quốc Hưng (giữa), đồng chủ trì kỳ họp |
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Thương mại Bangladesh - Jafar Uddin cho biết: Bangladesh là quốc gia đầu tiên ở Nam Á thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Hai bên đã có mối quan hệ ngoại giao truyền thống hơn 40 năm. Bangladesh coi Việt Nam là một đối tác thương mại quan trọng. Hai nước vẫn có nhiều tiềm năng để đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư. Chính phủ Bangladesh đã có chủ trương mở rộng các lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư… với Việt Nam.
Để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, hai bên nhất trí cho rằng, cơ chế Tiểu ban thương mại tiếp tục được duy trì sẽ có vai trò quan trọng. Tại kỳ họp, hai bên đã thảo luận các định hướng, biện pháp kết nối 2 nền kinh tế, tương tác, hợp tác bổ trợ lẫn nhau phát triển trong các lĩnh vực hai bên đều có thế mạnh và có nhu cầu hợp tác phát triển trong bối cảnh thương mại toàn cầu xuất hiện chủ nghĩa bảo hộ mới, nhất là tại các nước lớn.
Thứ trưởng Bộ Thương mại Bangladesh - Jafar Uddin (giữa), đồng chủ trì kỳ họp |
Hai bên đã nhất trí thông qua các nội dung cuộc họp, nhấn mạnh việc thực hiện các biện pháp tăng cường thúc đẩy hợp tác thương mại trong lĩnh vực gạo (Việt Nam), đay (Bangladesh)…; hợp tác về xúc tiến thương mại; hợp tác trong lĩnh vực máy móc; hợp tác về thông tin truyền thông; hợp tác về nông nghiệp và du lịch…
Hai bên đã thống nhất triển khai các biện pháp thúc đẩy quan hệ thương mại song phương giữa hai nước đạt kim ngạch 2 tỷ USD trong thời gian tới. Để sớm đạt mục tiêu này, hai bên thống nhất sẽ phối hợp triển khai các biện pháp để giúp doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh trao đổi hàng hóa, trong đó có sản phẩm gạo của Việt Nam xuất sang Bangladeh, hay khoai tây Bangladesh xuất khẩu vào Việt Nam…. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp hợp tác kinh doanh, trao đổi hàng hóa.